|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ năm 2016 gặp khó về thị trường

19:30 | 13/12/2016
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang một số nước lớn như Trung Quốc, EU giảm mạnh trong khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ cũng chậm lại khiến ngành gỗ Việt Nam năm nay gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
xuat khau go nam 2016 gap kho ve thi truong "Xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng cả thị phần và kim ngạch"
xuat khau go nam 2016 gap kho ve thi truong Gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất sang EU sẽ "dễ thở" hơn

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước lên đạt 6,2 tỷ USD. Những nước nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc chiếm tới 69% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), năm nay là một năm nhiều khó khăn đối với ngành gỗ, nhất là về mặt thị trường.

Xuất khẩu sang thị trường chính sụt giảm

Một trong những nước giảm mạnh nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm nay là Trung Quốc. Trong những năm trước, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam của Trung Quốc trung bình đạt khoảng 850 triệu USD - 880 triệu USD/năm. Tuy nhiên, ước tính cả năm nay, con số này chỉ dừng ở mức hơn 600 triệu USD.

Nguyên nhân là, giá dầu giảm mạnh, chi phí vận chuyển không còn quá cao nên thay vì mua dăm gỗ từ Việt Nam, Trung Quốc chuyển hướng sang mua từ các thị trường khác như Australia bởi chất lượng sản phẩm cao hơn.

Không chỉ Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng bàn ghế ngoài trời sang thị trường EU cũng giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang EU đạt hơn 800 triệu USD trong năm 2015 nhưng ước tính cả năm nay chỉ đạt khoảng 760 triệu USD - 770 triệu USD.

Tương tự, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ cũng chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù kim ngạch vẫn tăng trưởng và thị phần mở rộng hơn. Nhiều năm liền, Mỹ được coi là nước nhập khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này lên tới hơn 2 tỷ USD mỗi năm.

Theo Cục CBNLTS&NM, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm, chi tiêu tiêu dùng bị thắt chặt là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, sang đến quý III/2016 khi thị trường bất động sản Mỹ có những cải thiện đáng kể, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đáng chú ý là mặt hàng đồ gỗ nội thất, theo đó cũng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm nay.

xuat khau go nam 2016 gap kho ve thi truong
Năm nay là một năm nhiều khó khăn đối với ngành gỗ (Nguồn: An Hiếu – TTXVN)

Gỗ Việt Nam đối mặt với kiện chống bán phá giá

Trước đó theo nhận định của Cục CBNLTS&NM, thị trường Mỹ có tiềm năng rất lớn nên trở thành đích ngắm của nhiều nước xuất khẩu gỗ, trong đó có Trung Quốc. Vào giữa tháng 10 năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu của Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành lập doanh nghiệp có vốn FDI để sản xuất sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ.

Việc đầu tư ồ ạt của doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng và phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá từ một số quốc gia như Mỹ, Nhật, EU do lượng hàng xuất khẩu tăng quá nhanh và có mức giá rẻ.

Áp lực từ thị trường nội địa

Cũng theo Cục CBNLTS&NM, kim ngạch xuất khẩu gỗ không chỉ ghi nhận sự sụt giảm tại một số thị trường chủ lực mà ngành gỗ còn chịu áp lực từ chính thị trường nội địa, bởi sự gia tăng chi phí vận tải, phí thuê container, việc vay ngoại tệ khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm tới sẽ gặp sẽ còn nhiều khó khăn hơn năm nay, đặc biệt là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu. Ông cho biết, gần đây Chính phủ Lào đã có văn bản cấm xuất khẩu gỗ khi chưa phải là sản phẩm gỗ. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục trông đợi vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào.

"Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ và đồ gỗ. Hàng năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, bình quân tăng 30%. Điều này cho thấy thị trường Hàn Quốc ngày càng quan trọng đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam."

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends

Liên quan tới kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm, ông Quyền dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 và 12 có thể đạt 1,5 tỷ USD – 1,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 7,2 tỷ USD.

Ngành gỗ vẫn có triển vọng trong xuất khẩu là nhờ các doanh nghiệp chủ động trong việc giải quyết các khó khăn về thị trường bằng cách chuyển xuất khẩu từ thị trường truyền thống sang thị trường khác.

Đáng chú ý là Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang Hàn Quốc với kim ngạch tăng 17% trong 10 tháng đầu năm. Ngoài ra, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường khu vực Trung Đông cũng ghi nhận sự khởi sắc.

Ngày 18/11 Việt Nam và Liên minh Châu Âu chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT). Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng thương hiệu ngành gỗ trên thị trường EU và toàn cầu.

Hồng Vũ