Xuất khẩu điều: 3 hay 4 tỷ USD?
Giá hạt điều tăng vọt trong dịp Tết | |
Kim ngạch xuất khẩu điều sang Australia sẽ tăng nếu chuyển sang mặt hàng điều chế biến |
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, ngành điều đã XK được 46.137 tấn nhân điều, đạt giá trị 473.408 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều XK tăng tới 47,7%, còn giá trị tăng 66,2%. Như vậy, trong nhóm hàng nông lâm thủy sản chủ lực, nhân điều đang là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất cả về lượng lẫn giá trị XK, đứng trên cả rau quả (XK rau quả trong 2 tháng đầu năm tăng 54,3% về giá trị).
Lượng và giá trị XK điều tăng rất mạnh như trên, cho thấy nhu cầu của thị trường thế giới về mặt hàng này vẫn đang tăng lên. Trong tháng 1, giá nhân điều XK tiếp tục tăng so với tháng 12/2017 và đạt bình quân 10.253,6 USD/tấn (tăng 12,7%) so với tháng 1/2017.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), các dự báo cho thấy, nhu cầu tiêu dùng hạt điều trên toàn cầu đang tăng khoảng 10%/năm. Vì thế, năm 2018 vẫn là một năm đầy thuận lợi về đầu ra cho hạt điều. Hiện tại, các DN chế biến điều XK đã kín đơn hàng đến hết tháng 4.
Theo Bộ Công thương, dự báo trong năm 2018, XK hạt điều sang Mỹ vẫn sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng, do nhu cầu về hạt điều ở thị trường lớn nhất này vẫn ổn định và tăng nhẹ. Tại thị trường EU, dự kiến nhu cầu tiêu thụ hạt điều tiếp tục tăng trưởng tốt do kinh tế phục hồi tại nhiều nước thành viên.
Lẽ ra, với đầu ra thuận lợi như trên, ngành điều sẽ đủ tự tin để đặt ra mục tiêu vượt mốc XK 4 tỷ USD trong năm nay, khi mà kết quả XK của năm ngoái đã đạt 3,62 tỷ USD. Tuy nhiên, giá điều thô ở châu Phi lại đang gây ra mối lo ngại lớn. Đầu năm nay, trong khi giá nhân điều trên thị trường thế giới tăng 10 - 15%, thì giá điều thô lại tăng tới 30 - 40%. Đây là mức tăng quá vô lý. Vì thế, trong tháng 2, các DN Việt Nam đã phải tạm ngừng NK điều thô.
Bóc tách vỏ hạt điều |
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho hay, giá nhân điều hiện nay đã ở mức cao, khó có thể tăng lên nữa. Nếu tiếp tục đẩy giá nhân điều lên, người tiêu dùng ở nhiều nước sẽ chuyển sang sử dụng những loại hạt khô khác. Các DN cũng không còn mấy khả năng giảm chi phí, giá thành sản xuất, bởi sẽ đụng tới các vấn đề như lương bổng, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm cho người lao động… Vì thế, khi giá điều thô tăng quá cao, vượt xa mức tăng của giá nhân điều, bắt buộc các DN phải cân nhắc việc NK điều thô. Với mức giá điều thô đang ở trên 2.000 USD/tấn hiện nay, nếu nhập về Việt Nam để sản xuất, DN sẽ không có lợi nhuận.
Cũng theo ông Thanh, với đầu ra thuận lợi trong năm nay, nếu cần đạt giá trị XK 4 tỷ USD, ngành điều hoàn toàn có thể làm được bằng cách cứ NK nhiều điều thô dù giá cao. Nhưng nếu vậy thì việc đạt kỷ lục 4 tỷ USD sẽ không có ý nghĩa với các DN, vì không có lợi nhuận, thậm chí là lỗ.
Bởi vậy, với tình hình giá điều thô quá cao, các DN hội viên Vinacas đã thống nhất cùng nhau sẽ giảm NK điều thô so với năm 2017, qua đó, sẽ giảm lượng nhân điều XK. Đây là bước giảm về lượng để đi sâu vào chất lượng. Với việc giảm về lượng, nhiều khả năng giá trị XK điều năm nay có thể chỉ còn khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang được bỏ ngỏ. Theo nhận định của ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hoàng Sơn 1, với việc Việt Nam đã tạm ngưng mua, Ấn Độ cũng có động thái tương tự, từ giữa tháng 3, giá điều thô ở châu Phi sẽ giảm xuống. Nếu giá điều thô xuống dưới 2.000 USD/tấn, các DN sẽ NK trở lại.
Ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, nếu giá điều thô NK bình quân chỉ còn khoảng 1.800 USD/tấn thì các DN sẽ lại đẩy mạnh NK điều thô để chế biến XK. Khi ấy, XK điều hoàn toàn có thể đạt 4 tỷ USD.
Một điều đáng chú ý là vụ điều 2017/2018 ở Việt Nam đang được đánh giá là có triển vọng được mùa, sản lượng có thể đạt 400 - 500 ngàn tấn. Do đó, năm nay, ngành điều không cần phải NK tới 1,31 triệu tấn điều thô như 2017, mà chỉ cần NK khoảng 900 ngàn đến 1 triệu tấn. Như vậy, mức độ phụ thuộc vào điều thô NK sẽ giảm đi đáng kể, qua đó, ngành điều sẽ có những tính toán chủ động hơn nhằm đạt giá trị cũng như hiệu quả XK điều một cách tối ưu nhất.