|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu chè tăng cả lượng và giá trị

22:07 | 12/10/2017
Chia sẻ
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ chè toàn cầu ngày càng tăng, giúp cho xuất khẩu chè của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều triển vọng, đặc biệt là trong quý 4/2017.
xuat khau che tang ca luong va gia tri
Lũy kế 9 tháng năm 2017, xuất khẩu chè đạt 103 ngàn tấn, trị giá 164 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công Thương, ước tính trong tháng 9/2017 lượng chè xuất khẩu đạt 12 ngàn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 13,1% về trị giá so với tháng trước đó, nhưng tăng 2,2% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với tháng 9/2016. Lũy kế 9 tháng năm 2017, lượng chè xuất khẩu đạt 103 ngàn tấn, trị giá 164 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu chè còn nhiều dư địa

Top 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam là: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga, trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu chè tới 3 thị trường này chiếm tới 51,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Trong đó, Pakistan luôn dẫn đầu thị trường về tiêu thụ chè của Việt Nam, dù xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan luôn đạt kim ngạch cao, song vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng lượng chè tiêu thụ tại thị trường này và chỉ chiếm 2,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu chè của nước này; trong năm 2016 và 8 tháng năm 2017, xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này đang giảm cả về lượng và kim ngạch.

Nguyên nhân được cho là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu), chất lượng, mẫu mã còn chưa hấp dẫn khiến chè Việt Nam thiếu sức cạnh tranh trên thị trường Pakistan.

Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 7 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ... Chính vì vậy đến nay, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của thế giới.

Triển vọng những tháng cuối năm

Nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 5%/năm trong giai đoạn từ 2017-2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe.

“Chiến lược quảng cáo liên tục của các nhà sản xuất, cùng nhận thức lợi ích sức khỏe từ việc tiêu thụ chè lan rộng trên toàn thế giới, thu hút mọi người uống trà một cách thường xuyên hơn, giúp tăng nhu cầu về các sản phẩm chè trên toàn thế giới”, một chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, nguồn cung chè trên thế giới hiện đang bị thiếu hụt do thời tiết khô nóng làm giảm sản lượng tại các nước sản xuất, xuất khẩu lớn là Kenya và Ấn Độ. Thị trường xuất khẩu chè lớn trên thế giới là Sri Lanka cũng ảnh hưởng bởi những đợt lũ lụt nghiêm trọng gần đây và có thể làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu chè của thị trường này.

Nhờ vậy, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017 sẽ được thúc đẩy, bởi nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường toàn cầu và nguồn cung hạn chế. Nguồn cung thiếu hụt sẽ là tác nhân chính thúc đẩy giá chè xuất khẩu tăng mạnh, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn. Thế nhưng, khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của thế giới, song với nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới ngày càng tăng, xuất khẩu chè của Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn nhiều triển vọng.

Thuận lợi trong xuất khẩu chè là rất lớn song cũng có không ít khó khăn. Ngoài việc chưa có sản phẩm chè chất lượng thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao, xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để mặt hàng chè phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn bởi những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Huyền

Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.