|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc làm 'mất điểm' chất lượng hàng Việt Nam

13:54 | 23/04/2018
Chia sẻ
Tham dự Hội nghị giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018 do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 23/4, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết xuất khẩu cá tra theo đường bộ sang Trung Quốc đang làm giảm uy tín về chất lượng hàng hóa của Việt Nam. 
xuat khau ca tra tieu ngach sang trung quoc lam mat diem chat luong hang viet nam Tiêu chuẩn xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ngày càng khắt khe
xuat khau ca tra tieu ngach sang trung quoc lam mat diem chat luong hang viet nam VASEP: 'Cánh cửa' sang thị trường Mỹ vẫn mở với cá tra Việt Nam

Chỉ ra ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến lớn, quan trọng và đạt được những thành tựu trong năm 2017, Ông Trương Đình Hòe cho biết xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nền kinh tế thế giới phục hồi, các hiệp định tự do thương mại song phương như hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, ông Hòe nhận định các thách thức còn tồn tại cũng rất lớn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu cá tra theo đường bộ (xuất khẩu tiểu ngạch) sang Trung Quốc và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi nhu cầu các sản phẩm cá tra chất lượng cao và hàng giá trị gia tăng có xu hướng phục hồi tại những thị trường lớn như EU, Mỹ, nguồn cung nguyên liệu trong nước lại khan hiếm. Cùng với đó thương lái Trung Quốc ra sức thu mua cá tra mà không quan tâm tới chất lượng, đem gia công và tăng trọng để xuất khẩu qua biên giới.

Theo ông Hòe, hiện Việt Nam đạt hơn 52% xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, và hơn 44% xuất khẩu tiểu ngạch, chênh lệch giá giữa hai loại xuất khẩu là khoảng 1 USD/kg.

Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc đang được gia công chế biến sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu khác, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng cá tra.

Quan trọng hơn, Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà đã chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vì vậy xuất khẩu cá tra tiểu ngạch chắc chắn sẽ làm tổn hại tới hình ảnh về sản phẩm Việt Nam trong mắt người tiêu dùng nội địa Trung Quốc.

Cuối năm 2017, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc đã đang tải bài viết đặt ra quan ngại về chất lượng cá tra Việt Nam, đồng thời đề cập đến hiện tượng nhiều cá nhân người Trung Quốc liên quan đến hoạt động buôn lậu cá tra.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hòe kiến nghị chính phủ xem xét thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng ATVSTP trước khi xuất khẩu. Đồng thời tiến hành kiểm tra điều kiện sản xuất các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản để tránh tình trạng cơ sở không có đăng ký nhưng vẫn gia công xuất khẩu cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng đề cập tới một số vấn đề cần giải pháp bền vững như phòng ngừa ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sản xuất giống thủy sản, và giải quyết triệt để vấn đề "tôm kháng sinh và tạp chất".

Tôm được xác định là mặt hàng chủ đạo của nhóm thủy sản xuất khẩu trong ít nhất 10 năm tới, với cơ cấu chiếm 45 - 75% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Lyly Cao