|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xoài nhập lậu tăng mạnh do... vướng quy định kiểm dịch thực vật

10:27 | 02/11/2016
Chia sẻ
Hiện việc kiểm dịch mặt hàng xoài tại cửa khẩu không thể thực hiện, trong khi nhu cầu thị trường trong nước vẫn đang hút hàng đã “kích thích” hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng này qua biên giới. Mặt khác các lực lượng chức năng bắt giữ xoài nhập lậu cũng đang lúng túng trong khâu xử lý.
xoai nhap lau tang manh do vuong quy dinh kiem dich thuc vat
Xoài nhập qua cửa khẩu Hà Tiên theo hình thức trao đổi cư dân biên giới trước khi có quy định về kiểm dịch. Ảnh: Đ.NGUYÊN.

Nguyên nhân bắt đầu từ Công văn số 1328/BTVT–KD ngày 25-7-2016 của Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN và PTNT thông báo về kết quả họp chuyên đề về kiểm dịch thực vật (KDTV). Theo đó, tại điểm 3.1 của Công văn nói trên thì “Vật thể thuộc diện KDTV chưa nằm trong danh sách các mặt hàng được cấp Giấy phép KDTV nhập khẩu vào Việt Nam không được cho phép nhập khẩu theo quy định. Vật thể thuộc diện KDTV nằm trong danh sách các mặt hàng đã được cấp Giấy phép KDTV nhập khẩu vào Việt Nam, khi nhập khẩu theo hình thức trao đổi của cư dân biên giới trong định mức theo quy định của Chính phủ, không yêu cầu phải xuất trình giấy phép KDTV nhập khẩu”.

Từ đó, Trạm KDTV cửa khẩu Hà Tiên- Kiên Giang thông báo những mặt hàng chưa nằm trong Danh mục vật thể thuộc diện KDTV được phép nhập khẩu từ Campuchia (trong đó có quả xoài...) thì phải phân tích nguy cơ dịch hại theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5-9-2016 và Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT ngày 31-10-2014 của Bộ NN và PTNT. Khi làm thủ tục nhập khẩu phải có giấy phép KDTV của Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam thì Cơ quan KDTV tại cửa khẩu mới làm thủ tục nhập khẩu cho từng lô hàng theo quy định kiểm dịch.

Hiện nay tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT ngày 31-10-2014 quy định “cơ quan có thẩm quyền về KDTV của nước xuất khẩu có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng tiếng Việt (tiếng Anh) để phân tích nguy cơ dịch hại theo mẫu quy định tại Phụ lục I Thông tư này”; tại Điều 2 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5-9-2014 quy định Củ, quả tươi (gồm Xoài...) phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng đến nay các mặt hàng trên chưa được phân tích nguy cơ dịch hại, do đó chưa nằm trong Danh mục vật thể KDTV được phép nhập khẩu vào Việt Nam và chưa có giấy phép KDTV của Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam nên Cơ quan Kiểm dịch tại cửa khẩu chưa làm thủ tục kiểm dịch mặt hàng này.

Được biết, mặt hàng quả xoài thời gian trước đó nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên và các cửa khẩu phía Nam rất nhiều, theo dạng trao đổi cư dân biên giới do nhu cầu tiêu thụ rất cao tại thị trường trong nước. Từ tháng 9 đến nay, mặt hàng này vào Việt Nam bắt buộc theo con đường... nhập lậu hai bên cánh gà cửa khẩu. Hiện nay tại khu vực cửa khẩu Hà Tiên có hàng chục cơ sở kinh doanh thu mua mặt hàng xoài tươi nhập lậu từ Campuchia để phân phối khắp thị trường trong nước. Các đối tượng vận chuyển trái phép thường chia nhỏ thành 2 sọt để trên xe gắn máy, vận chuyển vào ban đêm đi hai bên cánh gà cửa khẩu để vào Việt Nam. Các cơ sở kinh doanh này hoạt động nhộn nhịp vào ban đêm để nhận hàng cũng như đóng gói chuyển lên xe tải phân phối khắp cả nước.

Đội Kiểm soát Hải quan cũng như Chi cục Hải quan cửa khẩu Hà Tiên cũng đang gặp khó khăn trong xử lý khi bắt giữ xoài nhập lậu. Căn cứ theo quy định, nếu tịch thu tang vật thì không thể thanh lý do đây là hàng hóa nhập khẩu chưa qua kiểm dịch. Cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu cũng không đồng ý xác nhận hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường nên chưa có cơ sở để tiêu hủy. Mặt hàng xoài vẫn cứ “lửng lơ” do quy định nên "tranh thủ" nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ. Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ NN và PTNT tháo gỡ vướng mắc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới trong việc trao đổi, mua bán các mặt hàng củ, quả tươi.

Đường chính ngạch không xong do vướng quy định kiểm dịch thực vật, xoài tươi đang nhập vào Việt Nam bằng con đường vận chuyển lậu. Nếu không có biện pháp tháo gỡ, mặt hàng này sẽ tiếp tục nhập lậu ngày càng nhiều vì nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng cao, khi đó càng khó kiểm soát tại cửa khẩu cũng như thị trường nội địa.

Đăng Nguyên