Xóa đặc quyền hai 'ông lớn' Vinafood
Xuất khẩu gạo tập trung vào VFA
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, lượng gạo xuất khẩu hiện tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhà nước như Vinafood 1, Vinafood 2 và các doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương, ví dụ như Công ty TNHH MTV Cờ Đỏ (tỉnh Long An). Riêng Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu.
“VFA có vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu phải đăng ký với VFA và phải cung cấp rất nhiều thông tin cho VFA, tạo ra môi trường không cạnh tranh. Một số doanh nghiệp tận dụng vị thế độc quyền “ngồi mát ăn bát vàng”, ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên của CIEM bình luận.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu tư |
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, Vinafood 1 và Vinafood 2 có nhiều quyền. Cụ thể, các doanh nghiệp này được giao đàm phán hợp đồng tập trung, nhưng không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Chính vì thế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã phải từ chối hợp đồng ủy thác của hai “ông lớn” này, bởi giá quá thấp, dù biết rằng, việc từ chối sẽ khiến “quota” xuất khẩu của họ năm sau bị ảnh hưởng.
Cổ phần hóa, xóa đặc quyền của “họ Vinafood”
Trước bất cập của cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: “Nếu không cải tổ VFA, thì không có cách nào xoay chuyển được chuỗi giá trị lúa gạo”.
Các chuyên gia nghiên cứu của CIEM cũng kiến nghị, để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị xuất khẩu và tăng thu nhập cho chuỗi giá trị lúa gạo trong nước, Nhà nước không nên tham gia các hợp đồng tập trung và chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán trực tiếp bằng việc cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.
“Việc xuất khẩu gạo theo thị trường tập trung với sự chi phối của VFA và các doanh nghiệp nhà nước đang tạo ra tác động làm méo mó chuỗi giá trị lúa gạo, tức là chỉ chú trọng vào đảm bảo có hợp đồng gạo giá trị thấp, giá bán thấp và lãng phí cơ hội trồng giống khác, bán cho thị trường khác với thu nhập cao hơn”, CIEM khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, nên bỏ hết những quyền lực đã ban cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), không để Hiệp hội này có quyền quyết định trong việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong ngành lúa gạo. Dù được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, song kết quả kinh doanh của hai tổng công ty họ “Vinafood” này không mấy ấn tượng.
Theo kế hoạch, Vinafood 2 sẽ tiến hành IPO trong quý II/2017, song ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 thừa nhận, do Tổng công ty thua lỗ nhiều năm nên quá trình tái cơ cấu gặp nhiều trở ngại, Tổng công ty chưa thể thoái vốn khỏi 8 đơn vị thành viên.
Một giải pháp nữa, theo các chuyên gia là bỏ hết những quyền lực đã ban cho VFA, không để Hiệp hội này có quyền quyết định trong việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên, mà chỉ nên là một hội ngành nghề đúng nghĩa.
Được biết, tại cuộc họp về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các điều kiện tham gia xuất khẩu gạo, cũng như xem lại và xóa bỏ những quyền không hợp lý của VFA.