Xây nhà ở xã hội: Doanh nghiệp kêu khó, cần ưu đãi về vốn
Thị trường bất động sản: Doanh nghiệp hững hờ với nhà ở xã hội |
Hết gói ưu đãi, doanh nghiệp trả lại dự án nhà ở xã hội |
Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) của TCty Viglacera là dự án dành ra hàng trăm căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Ảnh: Báo Xây dựng. |
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5 Trần Văn Can cho rằng, thực tế thủ tục khi làm nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại KCN thì quy trình phải lên tới 3-4 năm là bình thường.
Ông Can liệt kê, sau khi được thông qua chủ trương, phải làm việc với Sở Quy hoạch, sau khi sở này thông qua phương án tổng mặt bằng xong, thì lập dự án, phê duyệt, rồi thẩm định, tiếp đến làm chấp thuận đầu tư với thành phố. Tiếp đến phải có thiết kế kỹ thuật, rồi thẩm định, phê duyệt của Sở Xây dựng, tiếp đến tới Sở Tài chính làm tiền sử dụng đất.
Không chỉ câu chuyện về thủ tục nhiêu khê kéo dài nhiều năm, Hiệp hội Bất động sản TP HCM lại đề cập câu chuyện vốn cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM - cho rằng, câu chuyện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay nhà ở chính sách khác thì Nhà nước phải có ưu đãi về vốn cho người mua nhà.
Từ giữa năm 2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trong số tiền này, có 1.260 tỉ đồng được phân bổ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhưng trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.
“Thực tế hiện nay, cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp do thiếu vốn, nên chủ đầu tư phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận” - ông Châu nói.