|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng trung tâm logistics vùng ĐBSCL: Thờ ơ trước tiềm năng lớn

17:48 | 20/05/2017
Chia sẻ
Cần Thơ được Chính phủ lựa chọn là nơi để xây dựng trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 242ha tại khu vực cảng Cái Cui (Q.Cái Răng). Tuy nhiên, việc bắt tay thực hiện đang gặp nhiều trở ngại bởi sự thờ ơ của những doanh nghiệp trong cuộc.
xay dung trung tam logistics vung dbscl tho o truoc tiem nang lon
Ảnh minh họa: VOV

Nhìn thấy tiềm năng tại Cần Thơ và ĐBSCL, gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài (Ấn Độ, Thái Lan, Singapore…) cũng như trong nước đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển logistics tại đây. Mới đây Tập đoàn Thoresen (Thái Lan) có ý định mua lại ít nhất 65% cổ phần tại cảng Cần Thơ của Vinalines. Nếu được chấp thuận, Thoresen cam kết sẽ đầu tư 10 triệu USD cho kho bãi và trang thiết bị tại đây… Tuy nhiên, hầu như các nhà đầu tư đến rồi lại về tay không.

Khu vực cảng Cái Cui hiện có hai cảng đang hoạt động và chỉ cách nhau hơn 200m, do hai doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành logistics VN khai thác, đó là Tổng Cty Hàng hải VN (Vinalines) và cảng Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn (SNP). Để thành lập một cảng lớn đáp ứng nhu cầu phát triển của một trung tâm logistics của vùng, TP Cần Thơ được Chính phủ giao lập phương án liên doanh để khai thác cụm cảng Cái Cui gắn với hoạt động logistics.

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, có hai phương án được đưa ra, một là liên doanh giữa SNP và Vinalines, trong đó có một bên nắm giữ 51% cổ phần. Nếu phương án một không khả thi, thành phố sẽ chọn phương án thứ hai là liên doanh ba bên gồm SNP, Vinalines (mỗi bên nắm giữ 49% cổ phần) và TP Cần Thơ với đại diện là Quỹ Đầu tư và Phát triển Cần Thơ tham gia 2% cổ phần.

Cả hai lần làm việc tại Cần Thơ về quy hoạch cảng biển trung tâm ĐBSCL diễn ra gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải sớm hình thành liên doanh giữa các đơn vị trên nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động logistics của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

“Cầu cảng của hai đơn vị (Cảng Cái Cui do Vinalines quản lý và Tân Cảng Cái Cui do SNP quản lý) chỉ cách nhau khoảng 200m, tại sao hai bên không liên kết với nhau để tạo thành một cảng lớn hơn?”- Phó Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu phải gắn hoạt động cảng biển, hàng hải với logistics tại đây theo quy hoạch khu vực logistics hơn 242ha liền kề nhằm phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng chung cho cả ĐBSCL.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp nói trên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thậm chí thờ ơ với các phương án do thành phố đưa ra.

Theo ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL có 740km đường bờ biển (chiếm 23% cả nước), toàn vùng có nhiều cảng biển, khu bến cảng, cảng nội địa và gần 4.000 bến thủy. Tuy nhiên, hạ tầng và dịch vụ logistics của vùng hiện còn rất kém. Ngoài ra, ĐBSCL có 340km đường biên giới giáp Campuchia, có 6 cửa khẩu quốc tế và 12 cửa khẩu phụ, hơn 2.000km quốc lộ, 7.700km đường tỉnh và hơn 14.800km đường thủy… là những thế mạnh rất lớn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các địa phương trong vùng nên chọn vị trí phù hợp nhất để tập trung phát triển cảng lớn rồi kết nối với các cảng quy mô nhỏ hơn làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp trong vùng thay vì mạnh ai nấy làm, nhất là khi thấy nhà đầu tư có nhu cầu thì địa phương cấp phép, cho xây dựng với mong muốn có thêm nguồn thu về địa phương chứ ít khi tính đến việc đầu tư đó có giúp cho logistics hay kinh tế vùng phát triển lên hay không.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tại ĐBSCL có 2 trung tâm logistics hạng 2 đi vào hoạt động. Trong đó, mỗi trung tâm logistics có quy mô tối thiểu 30ha vào năm 2020 và phát triển 70ha vào năm 2030 phục vụ TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. TP Cần Thơ đã đề xuất và được Bộ Công Thương thống nhất quy hoạch trung tâm logistics tại Cái Cui với diện tích 74ha, sau đó xin điều chỉnh mở rộng lên 242ha.

Cảnh Kỳ