|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng đặc khu Vân Đồn từ… Paris

12:13 | 02/01/2018
Chia sẻ
Mô hình đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh đang được một nhóm trí thức Việt ở Paris, Pháp thảo luận, để tương lai đặc khu sẽ là nơi 'đáng sống'...
xay dung dac khu van don tu paris

Đường băng sân bay tại Vân Đồn dài hơn 3,6km đang được hoàn thiện - Ảnh: Đ.Hiếu.

Những ngày cuối năm 2017, văn phòng Hội Chuyên gia và khoa học VN toàn cầu (AVSE Global) tại số 87 đường Amsterdam, Paris rất nhộn nhịp.

Hàng chục chuyên gia người Việt từ nhiều nước tụ họp về thảo luận để hoàn thiện đề án thành lập đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn.

Từ một ý tưởng táo bạo

Cuối năm 2017, hình hài sân bay quốc tế tại Vân Đồn rộng 320ha đã dần lộ diện. Đường băng cất - hạ cánh dài nhất VN với 3,6km thi công gần xong.

Nhà ga giai đoạn 1 công suất 2,5 triệu hành khách/năm cũng đang được gấp rút hoàn thành. Con đường "xương sống" nối với sân bay đã xong.

Tại Pháp, một đề án về đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn (đặc khu Vân Đồn) đang được điều hành bởi một người mới 33 tuổi, làm việc tại Công ty Subsea7 của Pháp - TS Đoàn Đinh Hồng.

Ngoài ra còn có sự tham gia trực tiếp của hơn 50 nhà khoa học trẻ người Việt ở nhiều nước trên thế giới.

TS Hồng kể: "Một năm trước, cũng gần Tết dương lịch, chúng tôi về Hà Nội gặp một người rất tâm huyết với Vân Đồn.

Ông không sinh ra ở Quảng Ninh nhưng hiểu vùng đất này và mong muốn Vân Đồn trở thành đặc khu, có sân bay quốc tế để kết nối với thế giới, là nơi khởi nguồn của những sản phẩm trí tuệ, sáng tạo. Ý tưởng táo bạo khiến chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc".

TS Đinh Thanh Hương (39 tuổi, chuyên gia tư vấn chính sách) đánh giá Vân Đồn có diện tích hơn 550km2, bằng Singapore trước khi lấn biển. Đây là nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông cả đường bộ, đường biển, đường hàng không.

Vân Đồn dễ tiếp cận thị trường Trung Quốc với tổng GDP khoảng 22.000 tỉ USD/năm.

TS Hương lạc quan: "Theo kinh nghiệm quốc tế về vị trí địa lý và thị trường tiềm năng, Vân Đồn có đủ các điều kiện tốt nhất để trở thành đặc khu, là cơ hội có một không hai để trở thành một Singapore, Hong Kong hay Israel...".

AVSE Global không chỉ tập trung tư vấn xây dựng đặc khu mà còn đề xuất mô hình bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách chung cho cả ba đặc khu hành chính kinh tế tại VN.

Và tại kỳ họp cuối năm 2017, Quốc hội đã thảo luận Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có nhiều nội dung do AVSE Global xây dựng, đóng góp.

Với Vân Đồn, AVSE Global chỉ rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện mô hình chính quyền, phân tích phương pháp xây dựng luật dựa trên nhu cầu nhà đầu tư và điều chỉnh dần dựa trên nhu cầu thực tiễn; đưa ra nguyên tắc về các luật quan trọng như cơ chế vốn, tiền tệ, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, bảo vệ môi trường, Luật doanh nghiệp...

Ngoài ra còn xây dựng các mô hình kinh tế mũi nhọn và phụ trợ, định hướng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

xay dung dac khu van don tu paris

Nhóm AVSE Global thảo luận về đặc khu kinh tế Vân Đồn tại Paris - Ảnh: V.Tùng.

Kinh tế tri thức

Theo anh Đinh Việt Tùng (34 tuổi, phó giám đốc truyền thông AVSE Global), đến thời điểm này đã có 12 chính sách được AVSE Global nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào đề án đặc khu Vân Đồn. AVSE Global đặc biệt nhấn mạnh và sẽ ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực cùng với thu hút người tài.

Theo TS Đoàn Đinh Hồng, hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều ngần ngại đến VN đầu tư do nguồn nhân lực của chúng ta yếu.

TS Hồng cho rằng giải pháp thu hút được nhân lực kỹ năng cao phải đồng thời với chính sách ngắn hạn là cơ chế đặc thù về lương bổng và miễn thuế thu nhập cá nhân; chính sách dài hạn là tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ...

TS Hồng tự tin: "Tất cả những mục tiêu mà AVSE Global đặt ra cho Vân Đồn đều được nghiên cứu kỹ và có giải pháp cụ thể, khả thi, nhưng do đề án đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa thể tiết lộ chi tiết"...

Trên thực tế, hình hài khu vực Vân Đồn hiện cũng đang dần hé lộ. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, dự kiến năm 2018 hàng loạt dự án lớn sẽ được các nhà đầu tư khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư lên tới 61.000 tỉ đồng.

Đó là dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng với vốn đầu tư khoảng 46.000 tỉ đồng; tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng; dự án tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn khoảng 5.000 tỉ đồng…

Ông NGUYỄN ĐỨC LONG (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh):

Mong sớm thông qua luật

Thời gian qua, Quảng Ninh đã làm việc với nhiều nhà tư vấn hàng đầu thế giới để hoàn thiện quy hoạch khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Tương lai, Vân Đồn sẽ là khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino, các khu công nghệ cao, trung tâm thương mại quốc tế, điểm thu hút du khách nước ngoài... Quảng Ninh rất mong Quốc hội sớm thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào kỳ họp tháng 5-2018. Nếu chậm hơn sẽ lỡ nhiều cơ hội của các nhà đầu tư lớn, vì cuối quý 2-2018 đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ hoạt động.

Hai đặc khu khác đang "tăng tốc"

Nội dung đề án xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc đã được HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua, ông Trần Thanh Việt - giám đốc Sở Nội vụ - cho biết thêm điều đáng mừng là Quốc hội vừa có nghị quyết đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án cho 3 đặc khu kinh tế. Với nghị quyết này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án để sớm trình các bộ, ngành và Chính phủ.

Còn ông Hoàng Đình Phi - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) - cũng cho hay HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết "tán thành đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong". Theo đó, không gian, địa giới hành chính đặc khu có diện tích tới 111.000ha đất và mặt nước, lớn hơn rất nhiều so với đề xuất trước đây.

Vân Trường - Đức Hiếu - P.S.N - K.N.