Xăng “cõng” thuế môi trường, DN vận tải lo phá sản
Chi phí vận chuyển bắt buộc phải tăng theo giá xăng dầu nếu doanh nghiệp không muốn bù lỗ - Ảnh: Khánh Linh
Hàng không, Đường sắt, Đường thủy chung số phận
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải đường bộ, mà ngành Đường sắt, Đường thủy, Hàng không cũng tỏ ra lo lắng. Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường khẳng định nhiên liệu chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu giá thành nên việc tăng hay giảm giá nhiên liệu đều gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải. “Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đều cố gắng tối đa để có thể giảm chi phí khai thác cho một hành khách/km, nếu áp thêm phí môi trường trong xăng dầu, đương nhiên các doanh nghiệp vận tải hàng không bị ảnh hưởng”, ông Cường nói.
Về giá vé máy bay, ông Cường cho biết còn phải xem Bộ Tài chính sẽ áp mức nào mới biết ảnh hưởng ra sao và có thể gây tăng giá vé hay không. “Hiện tại, đảm bảo sự cạnh tranh, các doanh nghiệp đều cố gắng tính toán để đưa ra mức giá phù hợp nhất, cạnh tranh nhất”, ông Cường nói và cho biết thêm tỷ lệ vé bán ra áp mức giá trần rất thấp.
Liên quan đến vấn đề giá trần, ông Cường cho rằng, hiện Việt Nam vẫn quy định trần giá vé máy bay để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp hàng không, bảo đảm giá vé máy bay có sự kiểm soát. Tuy nhiên, về lâu dài, việc bỏ giá trần vé máy bay cần được tính đến bởi thực tế, nhiều nước trên thế giới áp dụng để bảo đảm tính cạnh tranh và quyền lợi của người sử dụng.
Ở góc độ doanh nghiệp vận tải thủy, ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy VN nhận định, nếu giá xăng dầu tăng ở mức cao như đề xuất trong dự thảo luật sẽ gây “sốc” cho doanh nghiệp vận tải thủy. Vì vậy, nên có lộ trình tăng dần để thị trường điều chỉnh, thích ứng. Tuy vậy, ông Nghĩa cũng cho rằng, gần như 100% phương tiện vận tải thủy đều dùng nhiên liệu dầu nên nếu so sánh với các lĩnh vực vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu của vận tải đường thủy sẽ rẻ hơn so với ô tô, nên vận tải thủy sẽ có lợi thế hơn để thu hút vận tải so với đường bộ.
Trong khi đó, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho rằng, giá xăng dầu tăng do tăng thuế bảo vệ môi trường chắc chắn ảnh hưởng đến vận tải thủy. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, giá xăng dầu tăng cũng được xem là cơ hội để vận tải thủy phát huy thế mạnh của mình. Bởi khi đó người ta sẽ tìm đến phương thức vận tải rẻ, tiết kiệm nhất, mà ưu thế của đường thủy là vận tải giá rẻ, tiêu tốn ít nhiên liệu và vận chuyển được khối lượng lớn, khoảng cách xa.
Với đường sắt, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho rằng, dù việc thực hiện đánh thuế môi trường đối với xăng dầu còn có lộ trình lâu dài nhưng cũng sẽ đội giá xăng dầu lên, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp kinh doanh, tổ chức vận tải. “Dù thế nào, cứ tăng giá xăng dầu là ảnh hưởng đến giá thành vận tải, sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận. Nhất là trong tình hình hiện nay, đường sắt vốn đã rất khó khăn trong cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác để thu hút hành khách, hàng hóa. Nếu tăng giá xăng dầu cao như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng, doanh thu vận tải đường sắt”, ông Tuấn nói.
Tăng thuế môi trường để tránh buôn lậu xăng dầu
Trong buổi gặp mặt báo chí ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, mức phí bảo vệ môi trường trong dự thảo mới là mức khung đưa ra. Theo ông Dũng, “còn tùy điều kiện kinh tế, tùy thời điểm, tùy thời kỳ để Bộ Tài chính trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Trong đó, mức thuế đưa ra phải vừa đảm bảo được yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế, vừa đảm bảo được sản xuất kinh doanh trong nước vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Giải thích thêm về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thuế cho hay, trong bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0-5%, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Do đó, việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp nhằm để giá xăng dầu trong nước không thấp hơn các nước xung quanh, qua đó tránh việc lợi dụng giá thấp để buôn lậu.
Cao Sơn
Nhóm PV