|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

WSJ chỉ ra những dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc

08:00 | 22/10/2023
Chia sẻ
Trạng thái bấp bênh của hệ thống tài chính Trung Quốc có thể là nguồn cơn cho một cuộc khủng hoảng mới.

Hệ thống tài chính Trung Quốc có thể đang không ổn. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến bong bóng bất động sản xì hơi, chính quyền địa phương phải chật vật để trả bớt nợ và hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả hai vấn đề này.

Ở bất kỳ nền kinh tế nào khác, những yếu tố trên đều sẽ được coi là dấu hiệu báo trước của một cuộc khủng hoảng tài chính, Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

Tuy nhiên, nhiều người tin tưởng rằng rắc rối sẽ không phát sinh tại Trung Quốc bởi hầu hết nợ nần là của các nhà đầu tư trong nước và chính phủ nắm quyền kiểm soát phần lớn hệ thống tài chính.

Theo WSJ, quan điểm trên có thể đã không còn đúng.

Quả thực, rất khó xảy ra một cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009.

Song, sự mất cân đối về tài khoá và tài chính của Trung Quốc hiện đang lớn đến mức nước này và cả nền kinh tế thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro không lường trước được.

Rủi ro nằm ở đâu?

Các vấn đề của Trung Quốc trở nên đáng báo động hơn sau loạt báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tuần trước.

Thứ nhất, dù Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP quý III là 4,9%, triển vọng trung hạn của nền kinh tế này đang xấu đi thấy rõ.

Theo IMF, trong 4 năm tới, Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 4% mỗi năm - giảm với dự báo 4,6% công bố vào năm ngoái. Bắc Kinh sẽ càng khó thoát cảnh nợ nần hơn so với khi tăng trưởng đạt mức 10% cách đây một thập kỷ.

Thứ hai, IMF còn nâng dự báo thâm hụt ngân sách của chính phủ Trung Quốc từ mức 7,1% GDP năm nay lên 7,8% vào năm 2028. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Mỹ là đạt đến mức này.

Vấn đề không nằm ở chính quyền trung ương mà là chính quyền các địa phương. Nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc đã mạnh tay vay nợ thông qua các công cụ huy động vốn đặc biệt gọi là LGFV để tài trợ cho các dự án hạ tầng.

Khối nợ của chính quyền các địa phương hiện tương đương 45% GDP và nếu tính thêm khoản mục này, khối nợ của chính phủ Trung Quốc sẽ tương đương 149% GDP vào năm 2027, cao hơn mức 141% của Italy.

Hiện tại, nhiều chính quyền địa phương đang phải vật lộn để trả nợ khi hoạt động bán đất bị ngưng trệ. IMF ước tính khoảng 30% LGFV sẽ không thể sống sót “nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ”.

Đây là một bài toán lớn cho các ngân hàng Trung Quốc, những tổ chức đang nắm giữ khoảng 80% khối nợ của chính quyền địa phương.

IMF cho biết, chỉ một nửa chi phí để tái cơ cấu khối nợ trên đã khiến hệ thống ngân hàng phải chịu tổn thất lên tới 465 tỷ USD. Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng sẽ giảm 1,7 điểm %.

Theo WSJ, so với các ngân hàng trên toàn cầu, các nhà băng Trung Quốc ngay từ đầu đã không có đủ vốn. Nếu suy thoái xuất hiện, nguồn vốn đó có thể bị hút cạn.

IMF đã thử phân tích sức khoẻ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng GDP trung bình trong ba năm tới chỉ đạt 1% thay vì 5% và giá bất động sản sụt mạnh.

Kết quả là, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Trung Quốc đã tụt mạnh từ mức 11% hồi năm ngoái xuống 7,1% vào năm 2025.

Ngoài ra còn có khả năng xuất hiện phản ứng dây chuyền. Khi tổn thất từ hoạt động cho vay tăng lên, các ngân hàng sẽ cho vay ít hơn.

Chính quyền các địa phương sẽ không thể vay mượn và do đó phải cắt giảm đầu tư cũng như chi tiêu cho dịch vụ xã hội. Tăng trưởng kinh tế và giá bất động sản sẽ còn rớt thảm hơn nữa.

 

Xác suất xảy ra khủng hoảng tài chính

Các cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Mỹ Latin vào những năm 1980, ở Đông Nam Á vào thập niên 1990 và khu vực đồng euro vào thập niên 2000 bị khuếch đại bởi hiện tượng dòng vốn tháo chạy.

Trong khi đó, Trung Quốc là nước cho vay ròng trên thế giới. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đang kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào và ra khỏi đất nước. Nợ nần cũng thuộc về các nhà đầu tư trong nước.

Các ngân hàng trung Quốc hầu hết thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính quyền trung ương hoặc chính quyền địa phương. Điều này có thể giúp hệ thống ngân hàng tránh cảnh sụp đổ, ngăn chặn tình trạng rút tiền gửi hàng loạt.

Khi ngành ngân hàng Trung Quốc gặp rắc rối hơn 20 năm trước, các khoản nợ xấu được chuyển đổi theo mệnh giá (par value) cho các công ty quản lý tài sản nhà nước.

Song, đôi khi khủng hoảng tài chính xảy ra là do các nhà đầu tư trong nước tháo chạy chứ không phải do dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, khủng hoảng không phải lúc nào cũng diễn ra nhanh chóng và dữ dội, chẳng hạn như giai đoạn 2007 - 2009.

Một số cuộc khủng hoảng kéo dài trong nhiều năm, chẳng hạn như tại Tây Ban Nha vào những năm 1970, tại Mỹ vào thập niên 1980 và tại Thuỵ Điển cùng Nhật Bản vào những năm 1990.

Theo một số nhà phân tích, khủng hoảng có thể nổ ra tại Trung Quốc do các rủi ro đạo đức (moral hazard).

Nhiều nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương có thể vay nợ trong những năm qua là vì các ngân hàng tin rằng Bắc Kinh sẽ ra tay giải cứu nếu bất trắc xảy ra.

Tuy nhiên, giả định đó dựa trên những đảm bảo ngầm chứ không phải tuyên bố rõ ràng từ chính phủ. Khi nhà đầu tư nhận ra rủi ro, khủng hoảng có thể xảy ra, theo ông Logan Wright, Giám đốc cấp cao tại hãng nghiên cứu Rhodium Group.

“Chẳng hạn, lĩnh vực bất động sản trước đây được coi là ‘quá lớn để có thể sụp đổ’. Mọi thứ thay đổi kể từ khi Bắc Kinh thay đổi những ưu tiên chính sách của mình.

Sau đó, rủi ro tín dụng nhanh chóng xuất hiện khi ngày càng nhiều người hoài nghi về tình hình tài chính của các công ty địa ốc”, ông Wright nói.

Khi chính phủ không còn ngầm hỗ trợ cho các tài sản ngoại vi, nhà đầu tư có thể cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ không bảo vệ những tài sản quan trọng như các ngân hàng, khoản vay mua nhà và cuối cùng là chính quyền các địa phương, vị giám đốc nhận định.

“Đó là con đường tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính”, ông Wright cảnh báo.

Bất ổn kéo dài nhiều năm đã đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc. Điều này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của đất nước tỷ dân.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hoá từ Trung Quốc tăng mạnh có thể gây áp lực lên các nhà sản xuất nước ngoài.

Và nếu khủng hoảng tài chính xảy ra, thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu sẽ có phần hạn chế bởi mối liên quan giữa hệ thống tài chính Trung Quốc và thế giới không quá mật thiết.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính nói chung vẫn rất lớn. Nếu Trung Quốc bắt đầu lung lay, các nước khác cũng sẽ cảm nhận được tác động.

Khả Nhân