|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

World Cup 2022 và những điểm nhấn đặc biệt

21:25 | 18/12/2022
Chia sẻ
Kỳ World Cup "mùa đông" đầu tiên đang dần khép lại và chủ nhân của chiếc cúp vàng sẽ được định đoạt vào đêm nay.

Pháp và Argentina sẽ cùng nhau quyết định ai sẽ là người lên ngôi tại World Cup năm nay. (Ảnh: Sky Sport).

Kỳ World Cup 2022 tại Qatar cuối cùng cũng sắp kết thúc. Tối nay, 18/12, giải đấu kéo dài một tháng sẽ tìm ra chủ nhân cho chiếc cúp vàng. Siêu sao Lionel Messi của Argentina đang có cơ hội nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới đầu tiên. Trong khi ở phía đối diện, nhà đương kim vô địch là Pháp đang từng bước trở thành quốc gia thứ ba duy nhất giành chức vô địch liên tiếp.

Một tháng qua, người hâm mộ bóng đá toàn cầu đã có cơ hội được trải nghiệm kỳ World Cup đầu tiên diễn ra vào giai đoạn cuối năm, trái ngược với không khí mùa hè náo nhiệt như nhiều kỳ trước đó. Bloomberg đã chỉ ra một số điểm đặc biệt của kỳ World Cup 2022 tại Qatar:

Lệnh cấm bia

Các nhà chức trách ở Doha, Qatar đã đổi ý vào phút chót khi họ đưa ra lệnh cấm cung cấp rượu bia trong các sân vận động, điều trước đó được cấp phép.

Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày trước khi giải đấu bắt đầu. Rượu bia sẽ chỉ được cung cấp tại các khán đài nhượng quyền cách xa nơi thi đấu và ở ghế VIP. Động thái này đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích từ đại bộ phận người hâm mộ bóng đá.

Trước khi có lệnh cấm, giải đấu đã gây ra nhiều tranh cãi, từ việc phải dời lịch thi đấu, theo truyền thống được tổ chức vào mùa hè do sức nóng sa mạc của Qatar cho đến cách đối xử của quốc gia vùng vịnh với những người lao động nhập cư.

Cấm băng tay cầu vồng

FIFA đã bác bỏ kế hoạch đeo băng tay cầu vồng của một số cầu thủ trong các trận đấu để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng LGBTQ ở Qatar, nơi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp.

Đáp lại động thái này, đội tuyển Đức đã đăng một bức ảnh các cầu thủ của họ đang che miệng và tuyên bố về quan điểm rằng: “Từ chối chiếc băng đội trưởng của chúng tôi cũng giống như việc từ chối chúng tôi một tiếng nói.”

300 tỷ USD

Qatar giàu năng lượng, với dân số khoảng 3 triệu người, đã chi khoảng 300 tỷ USD để tổ chức kỳ World Cup mùa đông này, vượt xa các kỷ lục chi tiêu trước đó. Việc chi tiêu xa hoa cho cơ sở hạ tầng và sân vận động đã gây ra những cáo buộc về rửa tiền thể thao. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Qatar đang sử dụng sự kiện được theo dõi nhiều nhất trên thế giới để nâng cao danh tiếng của mình.

Tuy nhiên, chính FIFA mới có thể thu được lợi ích lớn nhất từ ​​tất cả sự kiện này; tổ chức cho biết hôm thứ 16/12 rằng họ sẽ kiếm được nhiều hơn 1 tỷ USD so với dự kiến.

Cơn địa chấn châu Á và hơn thế nữa

Từ chiến thắng lịch sử của Arab Saudi trước Argentina đến chiến thắng của Nhật Bản trước Đức, kỳ World Cup lần này có rất nhiều đội bóng yếu đã tạo ra điều bất ngờ. Ngạc nhiên lớn nhất là màn trình diễn kỳ diệu của Maroc, đội đã đánh bại các cường quốc bóng đá như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ để trở thành đội châu Phi đầu tiên tiến vào bán kết. Maroc đã thua Croatia trong trận tranh hạng ba vào hôm 17/12.

Ngoài ra, World Cup đã mở rộng đối tượng người xem, vượt ra ngoài các quốc gia có truyền thống bóng đá ở Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, để thu hút lượng người theo dõi tăng vọt ở Mỹ và Châu Á. Trận đấu vào ngày 25/11 giữa đội tuyển Mỹ và Anh đã phá kỷ lục về tỷ suất người xem cho môn thể thao vua trên truyền hình Mỹ.

Bên cạnh đó, các đội từ Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi - những khu vực từ lâu đã đứng bên lề vinh quang tại World Cup, cùng nhau chiếm tỷ lệ bàn thắng cao hơn bao giờ hết.

Thùy Trang