|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

World Bank: 41% doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khi vay vốn, tài sản thế chấp vẫn là rào cản chính

08:10 | 23/09/2021
Chia sẻ
World Bank đánh giá các ngân hàng ở Việt Nam thường yêu cầu sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp thay vì các động sản, như các khoản phải thu và hàng tồn kho.

Trong báo cáo nghiên cứu mới đây có tên "Kiến tạo thị trường tại Việt Nam", World Bank đã chỉ ra một số thiếu hụt chính trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Theo cơ quan này, mặc dù Việt Nam có hệ thống ngân hàng khá lớn và thanh khoản dồi dào, song mức độ tài chính bao trùm còn thấp.

Chỉ số Cạnh tranh Cấp Tỉnh Việt Nam 2020 cho thấy 41% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở mức thấp, khoảng 3% mỗi năm.

Theo một cuộc khảo sát do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện, các SME có cơ hội vay vốn ngân hàng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Cho vay dài hạn đặc biệt khan hiếm, hơn 85% các khoản vay ngân hàng thương mại phải trả trong thời hạn dưới một năm.

Khó khăn trong sử dụng tài sản thế chấp vẫn là rào cản chính đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vay ngân hàng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính).

World Bank cho rằng các ngân hàng thường xem thanh khoản là một trong những rủi ro chính của họ và đây là tình trạng làm hạn chế khả năng và mong muốn cho vay dài hạn của các nhà băng.

Cụ thể hơn, tổ chức này nhận định khó khăn trong sử dụng tài sản bảo đảm để thế chấp vẫn là một rào cản chính đối với SME trong tiếp cận vốn ngân hàng. 

Theo đó, các ngân hàng ở Việt Nam thường yêu cầu sử dụng bất động sản, và có xu hướng ít chấp nhận động sản, như các khoản phải thu và hàng tồn kho làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác thường không hiểu rõ tiềm năng thị trường và thiếu chuyên môn cần thiết để định giá động sản, đặc biệt là máy móc và thiết bị.

Tiếp tục các cải cách trước đây trong lĩnh vực này, World Bank cho rằng ngành ngân hàng cần dịch chuyển trọng tâm sang xây dựng quy định pháp luật cùng với kế hoạch hành động để đáp ứng nhu cầu tài trợ dựa vào hàng tồn kho và các khoản phải thu.

Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính chuỗi cung ứng được đánh giá còn hạn chế đối với các SME. Các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng và hệ sinh thái của các tập đoàn lớn hơn ı́t có cơ hội tận dụng tı́n nhiệm của các công ty này để tiếp cận tài chính tốt hơn. 

Ngoài ra, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp gây khó khăn cho các SME tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thị trường vốn còn tụt hậu

World Bank cho rằng mặc dù có tăng trưởng, song thị trường vốn của Việt Nam tiếp tục tụt hậu so với các nước thành viên ASEAN khác, như thể hiện rõ trên thị trường trái phiếu. Hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán còn ở mức thấp, và cơ hội tiếp cận vốn Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Một số trở ngại chính đối với thị trường bao gồm khung pháp lý và quy định quản lý còn bất cập, thiếu tài liệu hồ sơ cần thiết và chuẩn hóa, ít sử dụng xếp hạng tín dụng hay thiếu văn hóa tín dụng dựa trên việc công bố thông tin...

Báo cáo cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các dịch vụ tài chính số. Dịch vụ tài chính số (bao gồm thanh toán, cho vay, bảo hiểm và tiết kiệm kỹ thuật số) được đánh giá có dư địa đáng kể để tăng trưởng tại Việt Nam do tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và cước phí truy cập internet thấp. 

Nhìn chung, World Bank cho rằng điều quan trọng là phải tiếp tục phát triển các nền tảng cho tài chính dài hạn. Những nền tảng này bao gồm cải thiện cơ chế định giá thông qua phát triển đường cong lãi suất, nhờ đó tận dụng được động lực hiện có từ sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ.

Sự phát triển của thị trường tiền tệ và tỷ giá tham chiếu ngắn hạn đáng tin cậy sẽ giúp củng cố đường cong lãi suất và gián tiếp tạo điều kiện phát triển các công cụ đổi mới sáng tạo trên thị trường vốn. 

Theo đó, các ngân hàng khó có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu tài chính ngày càng tăng do hạn chế về thanh khoản và vốn cũng như chênh lệch kỳ hạn. 

"Trong bối cảnh này, cần có các loại công cụ mới - như trái phiếu cơ sở hạ tầng, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và các công cụ có cấu trúc khác - để hỗ trợ phát triển hạ tầng và các khoản đầu tư dài hạn khác ở Việt Nam", World Bank khuyến nghị.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Huy