Vua mì tôm Miliket: Tồn tại bằng hai con tôm!
Những năm 90 của thế kỷ trước, mì ăn liền Miliket của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket chiếm tới 90% thị phần. Hiện nay, gói mì giá rẻ với hình ảnh 2 con tôm chụm đầu vào nhau vẫn còn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng, nhưng thị phần thì chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Làm nên tên gọi mì tôm
Mì tôm Colusa có mặt trên thị trường từ trước năm 1975 được sản xuất bởi Sài Gòn thực phẩm công ty. Sau năm 1975, Colusa được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Đến năm 1983, Tổng công ty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Colusa và Miliket được sáp nhập thành Công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket và chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2006.
Dù xuất hiện trước nhưng sau này người tiêu dùng ít nhớ đến tên Colusa mà quen gọi là mì tôm Miliket.
Hơn 30 năm ra đời, gói mì giấy với hình ảnh 2 con tôm chụm đầu vào nhau của Miliket vẫn không hề thay đổi. Ảnh: VTC
Những năm 90, mì Miliket gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Vì hình ảnh 2 con tôm trên gói giấy này mà người tiêu dùng phía Nam quen gọi mì ăn liền là mì tôm.
Nhưng khi thị trường mở cửa, dù Colusa-Miliket đã đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng so với những đối thủ cùng ngành thì chỉ như muối bỏ biển. Doanh thu sụt giảm dần khiến Miliket không thể bỏ tiền cho những chiến dịch truyền thông.
Nhận định chung của các chuyên gia thương hiệu và cả người tiêu dùng, là “vua mì tôm” quá bảo thủ. Nhiều năm nay, Miliket thậm chí không cải tiến mẫu mã bao bì, vẫn dùng hình ảnh 2 con tôm trên nền gói giấy. Các sản phẩm mới được tung ra không đột phá.
Anh Thanh Phong, một khách hàng trung thành của thương hiệu này khẳng định, đến giờ mình vẫn còn thích mì tôm Miliket. Tuy nhiên, anh cho rằng kế hoạch thâm nhập sâu vào thị trường nội địa của thương hiệu này đang không ổn. Bao bì không có cải tiến đột phá sẽ không thu hút được giới trẻ. Chỉ những ai đã ăn trước đây thì vẫn nhớ hương vị và đến giờ vẫn thích ăn thôi.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giữ gần như nguyên vẹn hình ảnh bao bì đã giúp Miliket sống được, vì bán được hàng nhờ khai thác thế mạnh ký ức quen thuộc của ngày xưa.
Còn theo lãnh đạo doanh nghiệp, quan điểm của Colusa là đến trực tiếp với người tiêu dùng bằng những hoạt động cụ thể. Đó là tham gia hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt về nông thôn, trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua nhân viên bán hàng tại các chợ bán lẻ, chợ đầu mối và các đại lý...
Cắt quảng cáo, trả lương bèo, bán giá rẻ âm thầm tồn tại
Hiện nay, rất hiếm thấy hình ảnh gói mì ăn liền 2 con tôm ở kệ các hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi ở thành phố. Những gói mì này chỉ còn xuất hiện chủ yếu ở phân khúc thị trường trung bình- thấp, tập trung tại khu vực nông thôn.
Ngày nay, rất hiếm thấy mì Miliket trên các kệ hàng tại những thành phố lớn. Ảnh: VTC
Vì đánh vào thị trường này nên giá bán của Miliket khá thấp. Hiện giá một gói mì bao bì giấy 75 gr chỉ 2.700 đồng. Các loại khác cũng chỉ ở mức 3.100 - 6.000 đồng. Mức này đang thấp nhất so với sản phẩm của các doanh nghiệp lớn.
Miliket cũng chấp nhận một chiến lược kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận thấp từ nhiều năm nay.
Năm 2012, lợi nhuận công ty chỉ đạt 31,2 tỷ đồng trên tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế cũng tương đương năm 2012, đạt 31,14 tỷ đồng, tăng 10,42 tỷ đồng so với năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng không phải do hiệu quả bán hàng, mà do cắt giảm chi phí.
Từ năm 2013, các thành viên trong Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát chỉ nhận mức lương bằng thu nhập của người giúp việc. Cụ thể, Chủ tịch, Phó chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị và Trưởng ban kiểm soát cùng nhận lương 5 triệu/tháng. Thành viên ban kiểm soát nhận lương 3 triệu đồng/tháng. Năm 2014 và 2015, mức lương này vẫn được giữ nguyên.
Sau 3 năm nhận lương bèo bọt, năm nay, công ty có kế hoạch tăng thù lao cho ban lãnh đạo. Trưởng ban Kiểm soát chuyên trách được tăng lương lên 15 triệu đồng/tháng. Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng các thành viên sẽ nhận lương đồng hạng 7 triệu đồng/tháng.
Năm 2016, Miliket cũng không kỳ vọng đột phá về doanh thu mà tiếp tục chọn cách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm mạnh chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp là 15,69 tỷ đồng, giảm 980 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty chỉ dành ngân sách 73,68 tỷ đồng cho bán hàng.
Mục tiêu lợi nhuận được đặt ra chỉ 28 tỷ đồng, giảm 3,14 tỷ đồng so với 2015.
Việc cắt giảm chi phí được cho là sẽ đem lại thêm lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cắt giảm quá nhiều chi phí, dẫn đến lương bèo bọt sẽ là con dao 2 lưỡi.
Anh Minh Tú, chủ một doanh nghiệp trang trí nội thất ở quận Thủ Đức chia sẻ, đầu tiên cần xem lại hiệu quả marketing của doanh nghiệp. Việc cắt giảm chi tiêu là đúng, để có thể tồn tại, nhưng nhân lực có xem đó là động lực dồn hết tâm huyết trong công việc không. Nếu cắt giảm chi phí mà khiến động lực người lao động giảm thì không phải là kế hoạch phát triển tốt.
Báo cáo của Hiệp hội mì ăn liền thế giới, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì. Đến năm 2014, con số này chỉ còn 5 tỷ gói, và đến 2015 còn 4,8 tỷ gói. Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ lượng mì lớn, đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Số liệu từ Bộ Công Thương, cả nước có trên 50 doanh nghiệp mì ăn liền, sản xuất gần 5 tỷ gói một năm nhưng chỉ 3 doanh nghiệp lớn là Acecook Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), Masan và Asia Food đang chiếm thị phần nhiều nhất. Trong đó, Acecook chiếm hơn 50% tổng thị phần, 2 cái tên còn lại nắm trong tay gần 30% thị phần. Và chỉ còn lại chưa đến 20% thị phần cho hàng chục DN còn lại, trong đó có Colusa - Miliket.
Theo Phát Tiến
Zing