|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI 2018: Kỳ vọng những dự án tỷ đô làm thật

11:11 | 12/02/2018
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kỳ vọng năm 2018 sẽ có nhiều bước ngoặt lớn trong thu hút FDI với những định hướng mới từ Chính phủ.

2017 là năm thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam cả vào vốn đăng ký lẫn giải ngân đặt trong bối cảnh tròn 30 năm kể từ khi luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Gần 36 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong năm vừa qua đã góp phần nâng tổng số vốn thu hút FDI trong 3 thập niên qua lên gần 319 tỷ USD.

Dấu ấn 2017

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhấn mạnh về kỷ lục mà Việt Nam đã đạt được trong thu hút vốn FDI khi vốn đăng ký đạt gần 36 tỷ USD.

Đây là thành tựu đáng khích lệ bởi những chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý nhà nước lạc quan nhất cũng không nghĩ đến từ đầu năm 2017 bởi những tháng cuối năm 2016, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang chậm lại do “hệ quả” của nguy cơ Hiệp định Đối tac xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng “tan vỡ”.

von fdi 2018 ky vong nhung du an ty do lam that
Sản xuất ô tô trong nhà máy. Ảnh minh họa.

Báo cáo kinh tế tháng 2/2017 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, vốn FDI so với cùng kỳ đang tăng chậm lại. “Điều này cho thấy việc Mỹ rút khỏi TPP đã có ảnh hưởng nhất định đến FDI đăng ký vào Việt Nam”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khi ấy khẳng định.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết vốn FDI năm 2017 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, vốn giải ngân cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn FDI vào Việt Nam là 35,88 tỷ USD gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó còn có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ.

Như vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét cả về vốn FDI và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần thì thu hút đầu tư nước ngoài năm 2017 đã xác lập kỷ lục. Nếu chỉ tính riêng vốn FDI, con số là trên 29,68 tỷ USD. Còn vốn đầu tư gián tiếp, thông qua các giao dịch góp vốn, mua cổ phần mà không thông qua sàn chứng khoán, là 6,19 tỷ USD. Thị trường M&A của Việt Nam đã tiếp tục bùng nổ, đúng như dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam trước đó.

Năm 2017 cũng đánh dấu thành tựu mới của vốn FDI khi vốn giải ngân cũng được xác lập với 17,5 tỷ USD. Tính từ khi bắt đầu thu hút FDI trong 30 năm qua, đây là lần đầu tiên vốn FDI giải ngân cán mốc cao như vậy bởi lẽ trong 10 năm qua, vốn FDI giải ngân chỉ xoay quanh mức từ 11 - 12 tỷ USD khiến nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ nghi ngờ về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.

Trước đó, hồi năm 2012, vốn giải ngân của thu hút FDI chỉ ở mức 10,46 tỷ USD thì những năm sau vốn giải ngân liên tục tăng lần lượt là 11,5 tỷ USD, 12,5 tỷ USD, 14,5 tỷ USD và 15,8 tỷ USD cho các năm 2013, 2014, 2015 và năm 2016.

Trên thực tế, đây chỉ là vốn FDI thực hiện còn khoản vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần chưa được tính. Cuối tháng 10.2017, khi báo cáo Quốc hội, Cục Đầu tư nước ngoài tính toán rằng khoản giải ngân đối với phương thức đầu tư này trong năm 2017 có thể lên tới 3 tỷ USD, đồng nghĩa với đã có hơn 20 tỷ USD vốn nước ngoài được giải ngân, góp phần quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự án tỷ USD: dự án thật, triển khai thật

Bên cạnh sự bùng nổ của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần thì sự quay trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD đã góp phần quan trọng đẩy vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục.

Hồi tháng 3, Việt Nam đón dự án tỷ USD đầu tiên trong năm 2017 là dự án Samsung Display tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD. Kể từ đó, vốn FDI vào Việt Nam không ngừng gia tăng mà đỉnh cao là tháng 6 với hơn 7 tỷ USD. Đến tháng 11/2017, khi Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng đã có thêm hơn 4,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký và ngay trong khuôn khổ tuần lễ này có thêm một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư là dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với vốn 2,58 tỷ USD.

Có năm dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay, trong đó có ba dự án điện BOT là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 với tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa, quy mô 1.200 MW; dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa, công suất 1.320 MW và dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.

Ngoài ra, còn có dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang. Đó là chưa tính đến dự án “xấp xỉ tỷ USD” là dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM với vốn đăng ký 885,85 triệu USD.

Sáu dự án quy mô lớn kể trên đã đóng góp tới hơn 12 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2008 là năm thu hút vốn FDI đỉnh cao với 72 tỷ USD đăng ký đầu tư nếu tính thuần theo số liệu nhưng sau đó, có nhiều dự án được cho là ảo và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Do vậy, vốn FDI tỷ USD vào Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là “làm thật” - đầu tư thật, triển khai thật.

Ngoài thu hút vốn FDI, năm 2017 cũng là năm tăng trưởng kinh tế đang tăng tốc trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, phản ánh nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng nhưng tốc độ thẩm thấu các chính sách tốt vào cuộc sống còn chậm.

Sau những khó khăn chạm đáy vào năm 2012, kinh tế Việt Nam đang dần tăng trưởng khá ổn định khi mức tăng trưởng các năm sau đó luôn cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2011.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81% trong bối cảnh các biến số phản ánh ổn định kinh tế được cải thiện như tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm (năm 2017 dưới 5% so với mức trung bình 6,5% giai đoạn 2011 - 2017); tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,6% năm 2016 giảm xuống còn 62%, tốc độ tăng nợ công có xu hướng giảm dần, bội chi ngân sách giảm; cán cân thương mại cải thiện từ nhập siêu năm 2015, năm 2016 xuất siêu và khả năng năm 2017 đạt thặng dư cán cân thương mại.

Ba thập niên là đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài để có định hướng và các chính sách phù hợp để tập trung hơn vào chất lượng, tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước vối doanh nghiệp nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngọc Minh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.