|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNPT nộp thiếu ngân sách, đầu tư đầy sai phạm

08:32 | 22/12/2017
Chia sẻ
Có đến 27 dự án do các đơn vị thành viên của VNPT triển khai bị chậm tiến độ từ 1-7 năm

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận thanh tra tại công ty mẹ và 5 đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp (DN); hạch toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) và chấp hành quy định pháp luật về tài chính, kế toán đối với DN. Thời kỳ thanh tra là năm 2016.

Nộp ngân sách thiếu do mua quà tặng, tranh thêu…!

Đối với nội dung thanh tra thực hiện nghĩa vụ với NSNN, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện VNPT nộp ngân sách thiếu hơn 97,5 tỉ đồng. Đáng lưu ý là trong đó có nguyên nhân do công ty mẹ - tập đoàn kê khai và nộp thiếu thuế GTGT 104 triệu đồng do chưa xuất hóa đơn và thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đầu ra đối với lịch blốc, tranh thêu mua làm quà tặng cho khách hàng và CB-CNV tại Viễn thông Nghệ An và Viễn thông Khánh Hòa.

vnpt nop thieu ngan sach dau tu day sai pham
Rất nhiều dự án do các đơn vị thành viên của VNPT đầu tư bị chậm tiến độ Ảnh: Tấn Thạnh

Có 5/5 DN được thanh tra kê khai và nộp thiếu thuế thu nhập DN (TNDN) năm 2016 với tổng số tiền là 97 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ - tập đoàn kê khai và nộp thiếu thuế TNDN 74 tỉ đồng do hạch toán tăng không đúng chi phí; giảm trừ chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không đúng…; Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện kê khai và nộp thiếu thuế TNDN hơn 9 tỉ đồng…

Về hoạt động đầu tư tài chính, kết quả thanh tra tại 3/5 DN thuộc VNPT cho thấy các DN này có tổng vốn đầu tư khoảng 6.553 tỉ đồng, số vốn đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn khoảng 637 tỉ đồng. Tại công ty mẹ, số vốn đầu tư tài chính dài hạn 6.311 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào 28 công ty con 5.077 tỉ đồng. Trong năm 2016 có 27/28 công ty con hoạt động kinh doanh có lãi khoảng 1.809 tỉ đồng; công ty còn lại thua lỗ 2.239 tỉ đồng.

Năm 2016, VNPT sở hữu khối tài sản hơn 89.200 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu tại DN khoảng 63.400 tỉ đồng, doanh thu năm 2016 đạt 53.138 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.140 tỉ đồng.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, VNPT giao Tổng Công ty Hạ tầng mạng thực hiện phần lớn nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng mạng lưới viễn thông. Tính đến cuối năm 2016, tổng công ty này quản lý 203 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu 10.031 tỉ đồng và 536 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy có 27 dự án chậm tiến độ từ 1-7 năm. Trong đó có 23 dự án chưa hoàn thành, 4 dự án đã hoàn thành. Nguyên nhân, theo giải trình của DN, là do các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, dự án được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính… Riêng dự án cáp quang biển quốc tế chậm tiến độ do phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài.

Điển hình là dự án xây dựng Trung tâm Giao dịch và Điều hành viễn thông quốc gia chậm hơn 7 năm, đến nay vẫn chưa khởi công; dự án Trung tâm Nút mạng viễn thông liên tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên chậm 1 năm; dự án tuyến cáp quang Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng lẽ ra hoàn thành năm 2015 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa xong.

Bên cạnh đó, Thanh tra Tài chính cũng chỉ rõ có nhiều dự án đầu tư do VNPT thực hiện đến nay đã phải dừng hoặc giãn tiến độ. Cụ thể là dự án cáp quang biển Ba Hòn - Phú Quốc; dự án tòa nhà thứ 2 Trung tâm Nút mạng viễn thông liên tỉnh khu vực phía Bắc tại Hà Nội; dự án trang thiết bị hệ thống quản lý tòa nhà thông minh tại Trung tâm Nút mạng miền Trung và Tây Nguyên… Các dự án này đến nay đã dừng triển khai vì thiếu hiệu quả kinh tế, không thật sự cần thiết, gây tổn thất khoảng 4 tỉ đồng.

Tiêu chuẩn thiết bị Mỹ, châu Âu nhưng nhập hàng châu Á!

Thanh tra Tài chính cũng phát hiện nhiều vi phạm trong công tác nghiệm thu và thanh toán vốn đầu tự dự án. Cụ thể, có hiện tượng chủ đầu tư đã cho nhập khẩu thay đổi xuất xứ nước sản xuất đối với một số vật tư không đúng theo hồ sơ dự thầu và hợp đồng trúng thầu. Giá trị nhập khẩu thay đổi xuất xứ hàng hóa lên tới gần 3 triệu USD. Ví dụ, dự án trang bị hệ thống truyền dẫn Đông Bắc năm 2015, hợp đồng trúng thầu ghi thiết bị nhập khẩu từ Mỹ nhưng theo tờ khai hải quan, thiết bị lắp đặt tại dự án được nhập khẩu từ Malaysia; dự án phát triển mạng vô tuyến các tỉnh phía Nam giai đoạn 2014-2015, hợp đồng trúng thầu ghi thiết bị xuất xứ Canada nhưng theo tờ khai hải quan, nhà thầu cung cấp thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan.

Từ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính kiến nghị VNPT tổ chức rà soát, đánh giá các dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Thực hiện xử phạt vi phạm hợp đồng đối với các nhà thầu do thay đổi xuất xứ thiết bị nhập khẩu theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cam kết nộp đủ số ngân sách thiếu

Tối 21-12, đại diện truyền thông của VNPT cho biết tập đoàn đã có giải trình cụ thể về các nội dung trong kết luận thanh tra với Bộ Tài chính. Về phía mình, VNPT sẽ bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu của kết luận, trong đó bao gồm cả hình thức xử lý đối với các đơn vị thành viên VNPT được nêu trong kết luận thanh tra.

Ngoài ra, VNPT và các đơn vị thành viên cũng nghiêm túc thực hiện kiến nghị trong kết luận và nộp đầy đủ vào NSNN số tiền 97,5 tỉ đồng, triển khai các công việc để báo cáo Bộ Tài chính đúng thời hạn ngày 31-1-2018.

Tô Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.