VNG đủ điều kiện để đưa cổ phiếu lên sàn nào trên Nasdaq?
Ảnh minh họa. |
Sáng ngày 30/05/2017, Chủ tịch CTCP VNG Lê Hồng Minh và Phó chủ tịch Tập đoàn Nasdaq Bob McCooey đã ký thỏa thuận về việc VNG sẽ IPO trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới. Theo quy định VNG sẽ phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của mình tại Nasdaq ngay sau khi VNG tiến hành IPO thành công ở Nasdaq.
Sàn Nasdaq được chia ra 3 sàn có cấp độ khác nhau theo thứ tự từ thấp đến cao và mức độ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn tăng dần: Capital Market (dành cho doanh nghiệp nhỏ - small cap), Global Market (dành cho doanh nghiệp tầm trung – mid cap) và Global Select Market (cho doanh nghiệp quy mô lớn – large cap). Với giá trị hiện tại của doanh nghiệp, VNG đủ sức để lên sàn nào của Nasdaq?
Về thời gian hoạt động: VNG có hơn 13 năm hoạt động.
Về vốn chủ sở hữu và vốn hóa: Tại ngày 30/09/2016, VNG có vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng, tương đương 14,6 triệu USD. Giả sử với mức giá 542.000 đồng/cổ phiếu đang được VNG áp dụng để mua vào cổ phiếu quỹ trước đó là giá thị trường, vốn hóa của VNG ước đạt khoảng 17.935 tỷ đồng, tương đương hơn 790 triệu USD; vốn chủ sở hữu của VNG mẹ đạt 2.232,6 tỷ đồng, tương đương hơn 98 triệu USD; vốn chủ sở hữu của VNG hợp nhất đạt 2.624,1 tỷ đồng, tương đương 115,7 triệu USD.
Về thu nhập thuần: Năm 2016, VNG đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 361 tỷ đồng, khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế VNG mẹ đạt 117,5 tỷ đồng, tương đương gần 5,2 triệu USD; VNG hợp nhất đạt 294,6 tỷ đồng, tương đương gần 13 triệu USD.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của VNG mẹ lỗ 11,1 tỷ đồng; VNG hợp nhất đạt 231 tỷ đồng, tương đương hơn 10 triệu USD.
Tỷ giá VND/USD: 22.680 đồng/USD. Nguồn: Báo cáo tài chính VNG |
Như vậy, nếu số liệu đánh giá là công ty mẹ, VNG khó có thể đáp ứng được yêu cầu của bất kỳ sàn nào tại Nasdaq.
Tuy nhiên, nếu đánh giá trên báo cáo hợp nhất, với tiêu chuẩn về quy mô vốn chủ sở hữu, vốn hóa và thu nhập thuần, VNG hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu của sàn Capital Market và sàn Global Market. Dù vậy, điều này chưa thể kết luận VNG có thể đủ điều kiện để niêm yết trên sàn Capital Market do còn “khoảng trống” thông tin về cơ cấu sở hữu, số lượng cổ đông, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông bên ngoài…. Tất cả những khoảng trống này, hiện người viết chưa thể thu thập đầy đủ khi tìm kiếm thông tin trên mục “Thông tin cổ đông” của Website công ty VNG.
Trong trường hợp, VNG đáp ứng được yêu cầu về số lượng cổ đông, tỷ lệ cổ phiếu do cổ đông bên ngoài nắm giữ, có đủ số nhà tạo lập và giá đặt mua từ 4USD/CP, tính trên báo cáo hợp nhất, VNG có đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn sàn Capital Market và sàn Global Market của Nasdaq.
Trong khi đó, đối với sàn Global Select Market, chưa tính đến tiêu chuẩn về dòng tiền, VNG chưa thể đáp ứng được các tiêu chí về vốn hóa thị trường, doanh thu trong bộ tiêu chuẩn 2, 3, 4. Cụ thể, tiêu chuẩn 2 là vốn hóa thị trường trung bình tối thiểu 550 triệu USD trong vòng 12 tháng gần nhất và doanh thu đạt tối thiểu 110 triệu USD trong năm gần nhất.
Tiêu chuẩn 3 là bộ tiêu chí vốn hóa thị trường trung bình tối thiểu 850 triệu USD trong vòng 12 tháng gần nhất và doanh thu tối thiểu 90 triệu USD trong năm gần nhất. Tiêu chuẩn 4 vốn hóa thị trường 160 triệu USD, tổng tài sản 80 triệu USD, vốn chủ sở hữu 55 triệu USD.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính VNG |
Nhưng, VNG có thể đáp ứng được tiêu chuẩn 1 của sàn Global Select Market về lợi nhuận trước thuế - tổng lãi trước thuế trong 3 năm gần nhất lớn hơn 11 triệu USD, không có năm nào lỗ và lợi nhuận của 2 năm trong số 3 năm xem xét phải lớn hơn 2,2 triệu USD.