Vingroup, Sun Group, Vinaconex... xin tham gia cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Hiện tại, Hà Nội có 4 chung cư cũ cấp độ D là chung cư C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh, G6A Thành Công và Tập thể Bộ Tư pháp. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Trong phiên thảo luận về vấn đề cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội thuộc Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 1 vừa tổ chức, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội so sánh: “Chung cư cũ là đặc sản của Hà Nội, nhưng là thứ đặc sản cực kỳ khó ăn”.
Giai đoạn 2007 - 2013, thành phố đã sử dụng ngân sách nhà nước để kiểm định 162 nhà chung cư cũ; đến năm 2014 đã tổ chức rà soát chung cư cũ theo 3 cấp độ. Giai đoạn 2016 - 2017, thành phố cũng kiểm định được 165 nhà chung cư, phân loại nhà theo cấp độ mà Bộ Xây dựng quy định. Hiện tại, Hà Nội có 4 chung cư cũ cấp độ D (cấp độ nguy hiểm nhất), đó là các chung cư C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh, G6A Thành Công và Tập thể Bộ Tư pháp.
“Theo kết quả khảo sát của các nhà đầu tư khi lên ý tưởng quy hoạch, dân số hiện hữu tại các khu vực có chung cư cũ đã tăng gấp 2 lần số dân theo quy hoạch đươc duyệt. Trong khi hiện nay thậm chí còn cần giảm bớt dân số ở khu vực nội thành”, ông Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, dù Nhà nước bố trí quỹ nhà tạm cư có vị trí đẹp, hạ tầng tốt nhưng việc thuyết phục người dân di dời khỏi chung cư cũ vẫn rất khó khăn. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Những chung cư cũ cấp độ D đã được chính quyền giao các cấp quận, phường tổ chức vận động, cưỡng chế di dời nhưng đến nay vẫn vấp phải sự không đồng thuận của người dân. Mặc dù Nhà nước bố trí quỹ nhà tạm cư cho người dân tại nhiều khu vực có vị trí rất tốt.
Ông Dũng lấy ví dụ như khu tạm cư tại khu vực Yên Hòa - đây là khu vốn định xây dựng để làm nhà ở cho cán bộ lão thành cách mạng nên hạ tầng tốt, dù vậy nhưng người dân vẫn không đồng ý chuyển về đây ở. Nhiều năm liền thành phố liên tục tuyên truyền, vận động nhưng mới chỉ có 50 gia đình đồng ý di chuyển, sắp tới sẽ có thêm 40 gia đình nữa di dời trên tổng 150 gia đình đang sống tại chung cư cũ.
“Hà Nội đã công bố 28 chung cư cũ kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo, trước hết là tham gia về quy hoạch và thực tế đang có 18 nhà đầu tư tham gia. Đó đều là những doanh nghiệp lớn trên thị trường BĐS như Vingroup, Sun Group, Vinaconex hay Việt Hưng…”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Trong phần tham luận của mình, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS nêu, hiện nay các đô thị trong cả nước có khoảng hơn 2.500 nhà chung cư cũ (tương đương hơn 3 triệu m2) được xây dựng trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân sinh sống.
Ông Khởi cho biết, riêng Hà Nội có hơn 1.500 tòa chung cư cũ trên tổng số khoảng hơn 2.500 tòa trên cả nước. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Thống kê sơ bộ cho thấy, Hà Nội có hơn 1.500 tòa, TP HCM có hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa, Nghệ An hơn 20 tòa, Thanh Hóa gần 20 tòa... Các chung cư này có nguồn gốc chủ yếu là tiếp quản từ chế độ cũ hoặc do nhà nước xây dựng cách đây 30 – 40 năm. Hiện có hơn 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng, cần cải tạo hoặc xây dựng lại, chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ, tập trung tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An... Tuy nhiên, số lượng nhà chung cư cũ đã được cải tạo không nhiều.
Việc người dân không chịu đồng thuận trong kế hoạch di dời khỏi các chung cư cũ có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết các diễn giải đều đồng tình rằng lý do chủ yếu là vì người dân không nắm rõ được giá trị thực sự của căn hộ tại chung cư cũ của mình, họ thấy người khác được đền bù nhiều nên mong muốn mình cũng phải được đền bù ở mức tương đương. Vì vậy, việc thuyết phục để 100% cư dân đồng tình di dời khỏi chung cư cũ rất khó khăn.
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, để người dân tin tưởng và đồng ý di dời khỏi chung cư cũ thông tin phải minh bạch.
“Người dân rất thông minh, về việc cải tạo chung cư cũ thường có đến hơn 80% cư dân ủng hộ. Nếu đền bù với hệ số 1,3 hoặc 1,4, thì với căn hộ cũ diện tích 40 m2 người dân sẽ được trả bằng căn hộ mới rộng khoảng 70 – 80 m2 là rất xứng đáng. Phía doanh nghiệp quản lý tốt cũng sẽ có lợi nhuận tương xứng. Mọi công tác đều cần minh bạch, việc này hiện rất dễ thực hiện vì thị trường đang rất mở, đơn giá như thế nào, xây dựng triển khai ra sao…”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Xây dựng: ‘Thị trường BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, một bộ phận bị lợi ích nhóm chi phối’
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguồn vốn đổ vào BĐS hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng và vốn huy động từ ... |