|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vingroup, Hoà Phát, Novaland, loạt ngân hàng,... ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để mua vắc xin COVID-19

16:45 | 25/05/2021
Chia sẻ
Mục tiêu đến cuối năm 2021, Bộ Y tế là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam, trong khi ước tính chỉ có thể có được 110 triệu liều. Trước sự khó khăn, hàng loạt tập đoàn lớn nhỏ đã đứng ra ủng hộ cả về hiện kim và hiện vật cho công cuộc chống dịch.
Nhiều doanh nghiệp ra tay khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hàng loạt doanh nghiệp đã đứng ra ủng hộ hàng trăm tỷ đồng vào quỹ vắc xin COVID-19. (Đồ họa: Alex Chu).

Ngày 29/4, Việt Nam đã chính thức đối mặt làn sóng dịch lần thứ 4 khi một người đàn ông Hà Nam được xác định mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly.

Theo các chuyên gia, làn sóng dịch thứ 4 được đánh giá là phức tạp hơn nhiều so với ba đợt dịch trước đó. Một trong những lý do là có sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh và Ấn Độ.

Tính tới trưa ngày 25/5, số lượng ca mắc mới từ ngày 27/4 đến nay là 2.505 ca, xuất hiện trên 29/63 tỉnh thành. Trong đó, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có số lượng công nhân nhiều, lên đến hàng trăm nghìn người, tập trung trong các khu công nghiệp nên khi dịch xảy ra gây rất nhiều khó khăn đối với người dân và công nhân lao động. 

Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay ngày 24/5, Bộ Y tế đã chính thức kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân… cùng chung tay hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang, bởi kiểm soát tốt dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang cũng là kiểm soát tốt dịch của cả nước.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công với các hãng sản xuất vắc xin của thế giới. Ước tính đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam.

Đây là mục tiêu quan trọng để Việt Nam chuyển từ phòng ngự sang tấn công, kiểm soát dịch; sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Trước sự cấp bách, hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn đã đứng lên ủng hộ, góp chút sức lực về tài chính vào công cuộc phòng, chống COVID-19 cũng như ngân quỹ để mua vắc xin.

Một trong số những doanh nghiệp đi tiên phong là Tập đoàn Vingroup, đây đồng thời cũng nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam bao gồm sản xuất máy thở, cung ứng sinh phẩm, chẩn đoán,...

Sáng ngày 21/5, Vingroup đã trao tặng 4 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Bộ Y tế. Giả sử nếu lấy giá vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất là 10 USD/liều (khoảng 230.000 đồng/liều), ước tính Vingroup cũng đã ủng hộ khoảng 920 tỷ đồng vào quỹ vắc xin.

Mới đây, loạt các ngân hàng cũng đã ra tay tiếp sức ủng hộ Chính phủ. HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào quỹ mua vắc xin. Nhóm ngân hàng Big4 gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đã góp tổng cộng 100 tỷ đồng vào quỹ mua vắc xin phòng chống COVID-19.

Cũng sáng 25/5, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank góp 10 tỷ đồng; Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; Tập đoàn An Phát Holdings gửi tặng Bộ Y tế 20 tỷ đồng.

Với nhóm các doanh nghiệp bất động sản, Tập đoàn Novaland đã trao tặng 11 tỷ đồng cho phong trào xã hội hóa nguồn kinh phí mua vắc xin COVID-19; Tập đoàn Đất Xanh đã trích 5 tỷ đồng đồng để tặng cho người dân cùng các y, bác sĩ tuyến đầu tỉnh Bắc Giang.

Nhiều doanh nghiệp ra tay khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 50 tỷ đồng vào Quỹ mua vắc xin phòng COVID-19. (Nguồn: HPG).

Tại hai "điểm nóng" của dịch là Bắc Ninh và Bắc Giang, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ủng hộ 1.000 tấn gạo và 5 tỷ đồng nhằm chung tay hỗ trợ và tiếp sức cho hai tỉnh này chống dịch.

Theo kế hoạch, ngày 25/5, Tập đoàn T&T sẽ trao tặng 1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho Bộ Y tế. Đồng thời trong thời gian tới, T&T Group cho biết sẽ tiếp tục trao tặng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh hệ thống ECMO trị giá 3,5 tỷ đồng để phục vụ công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân dương tính với SARS- CoV-2.

Cũng trong sáng 25/5, Tập đoàn Ecopark đã trao 1 triệu USD (tương đương hơn 23 tỷ đồng) mua vắc xin COVID-19.

Tập đoàn Viettel, với vai trò là doanh nghiệp công nghệ chủ lực của đất nước, mới đây cũng đã cho biết chỉ trong vòng 7 ngày đã hoàn thành lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc.

Riêng đối với 130 cơ sở cách ly tại 125 xã của tỉnh Bắc Giang, địa phương đang có diễn biễn dịch căng thẳng nhất trong cả nước, Viettel đã huy động tối đa nguồn lực để lắp đặt thêm 1.000 camera trong vòng 5 ngày, nhanh gấp đôi so với tiến độ thông thường.

Ngoài ra, Viettel đã chủ động phát triển giải pháp công nghệ trong nhằm hỗ trợ công tác chống dịch như xây dựng App Sức khỏe Việt Nam chỉ trong vòng 6 ngày; xây dựng hệ thống “Tờ khai y tế điện tử” chỉ trong hai ngày; hỗ trợ điều tra truy vết F0 theo số điện thoại; hoàn thành kết nối hệ thống Telehealth tới hơn 1.000 cơ sở y tế chỉ trong vòng 45 ngày và duy trì hoạt động của các cơ sở y tế triển khai hệ thống để phục vụ hội chẩn y tế 24/24 giờ trong ngày.