Vinaconex có một Ngân hàng Năng lượng 'chưa từng tồn tại'
Vì “chưa sinh đã chết”, các thông tin về Ngân hàng này đều rất hiếm hoi trên thị trường.
Ảnh minh họa. |
Ngày 08/12 tới đây, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ chào bán hơn 96.2 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), tương đương 21.79% vốn điều lệ với giá khởi điểm 25,600 đồng/cp.
Theo bản công bố thông tin, hiện có một số các tranh chấp kiện tụng liên quan tới Vinaconex có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu chào bán. Được biết, Vinaconex đang tham gia 4 vụ việc tranh chấp pháp lý với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến điều tra.
Đầu tiên là vụ án Nước Sông Đà bị khởi tố vào tháng 7/2014. Đây là dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Vinaconex làm chủ đầu tư và bị khởi tố về việc vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện Vinaconex đang phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết.
Vụ án thứ hai liên quan đến gói thầu A5 thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, Posco E&C được giao làm nhà thầu chính, thầu phụ là liên danh Thiên Ân – Vinaconex. Quá trình triển khai gói thầu, thành viên đứng đầu liên danh là Thiên Ân, theo thỏa thuận với Vinaconex sẽ nộp toàn bộ bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho liên danh. Tuy nhiên, Thiên Ân không đủ năng lực, vi phạm tiến độ và chất lượng dẫn đến chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu chính loại Thiên Ân ra khỏi dự án, do đó Posco E&C yêu cầu bên bảo lãnh là Ngân hàng Techcombank phải thanh toán tiền bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Hiện nay, nhà thầu chính là Posco E&C đã giao phần việc của Thiên Ân cho Vinaconex đảm nhiệm. Trong vụ án này, Vinaconex không bị ràng buộc nghĩa vụ và luật sư đang tiếp tục đại diện trong giai đoạn phúc thẩm.
Vụ án tiếp theo liên quan đến việc triển khai thi công dự án Nại Hiên Đông và dự án Phong Bắc tại Đà Nẵng vào khoảng thời gian 2010-2011. Vinaconex và CTCP Xuân Mai Đà Nẵng (XMĐN) đã ký các hợp đồng về sản xuất, vận chuyển cấu kết bê tông cốt thép tiền chế để cung cấp cho 2 công trình này. Tháng 10/2011, XMĐN có hợp đồng tín dụng hạn mức ngắn hạn là 20 tỷ đồng với Ngân hàng VIB và khoản vay được công ty mẹ - CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai bảo lãnh. Do XMĐN không có khả năng trả nợ hợp đồng nêu trên nên VIB đã khởi kiện XMĐN ra tòa. Đến giữa tháng 8/2017, UBND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định trong đó có nội dung Ban quản lý dự án tạm giữ số tiền thanh toán chi phí xây dựng gần 20.6 tỷ đồng của Vinaconex và lãi chậm thi hành án, thông báo cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Hòa Vang theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Vụ án cuối cùng liên quan đến tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Richard Moore A-Sscoiate và bị đơn là ông Nguyễn Hữu Thủy. Vinaconex cho biết, hồi tháng 6/2007, Tổng Công ty với tư cách là cổ đông sáng lập Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam và có tham gia vào Ban trù bị thành lập Ngân hàng này. Ông Nguyễn Hữu Thủy – Trưởng Ban điều hành Ngân hàng Năng lượng đã ký hợp đồng phát triển bản sắc thương hiệu với Richard Moore A-Sscoiate. Do bất khả kháng, Ngân hàng Năng lượng Việt Nam không được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng, mọi hoạt động thành lập của Ngân hàng bị chấm dứt và Richard Moore A-Sscoiate đã khởi kiện ông Nguyễn Hữu Thủy về nghĩa vụ thanh toán hợp đồng trên.
Đối với vụ án này, ngày 22/09, Tòa án đã xét xử và Vinaconex không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ nào, Tổng Công ty chỉ tiếp tục theo dõi kháng cáo (nếu có). Nhưng đằng sau vụ án người ta mới biết được rằng Vinaconex đã từng có một Ngân hàng trên tư cách cổ đông sáng lập mặc dù thực tế chưa từng tồn tại.
Manh nha thành lập vào thời kỳ sốt nóng nhưng bị vỡ kế hoạch ngay từ đầu
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giai đoạn 2006-2007, Chính phủ đã có nhiều chủ trương cho triển khai các dự án điện cấp bách để đẩy nhanh tiến độ và phê duyệt chiến lược phát triển điện, tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn; chính xác hơn là thiếu cơ chế kêu gọi, huy động vốn, nhất là từ kênh nước ngoài.
Để khắc phục phần nào về thiếu vốn đầu tư, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng với các tập đoàn kinh tế mạnh hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đã trình Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thành lập Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam.
Ngày 08/01/2008, thống đốc NHNN đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép thành lập Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam. Dự kiến, ngân hàng này chính thức đi vào hoạt động vào giữa năm 2008, sẽ là một trong những đầu mối thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện.
Các cổ đông sáng lập Ngân hàng là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama, Tập đoàn Vinaconex và trên 300 công ty, tập đoàn kinh tế cũng như các tổng công ty là thành viên thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với báo giới, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cho biết dự án thành lập Ngân hàng này đã phải phá sản, vì lệnh cấm thành lập ngân hàng mới.
Được biết, cùng thời điểm với Ngân hàng Năng lượng Việt Nam (08/01/2008), NHNN cũng đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp giấy phép thành lập cho 4 ngân hàng khác bao gồm Ngoại thương châu Á, Ngôi sao Việt Nam, Đông Dương Thương Tín và Bảo Tín, nhưng đều “chưa sinh đã chết” ngay từ đầu.
Có thể thấy, Ngân hàng Năng lượng cùng các ngân hàng trên được manh nha thành lập trong thời kỳ sốt nóng của giới ngân hàng khi quy chế thành lập ngân hàng cổ phần được ban hành, mở đường cho việc ra đời hàng loạt các ngân hàng mới. Ngay thời điểm này đã có hàng chục hồ sơ gửi tới NHNN với quy mô vốn điều lệ từ 1,000 tỷ đến 3,000 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2008, Chính phủ yêu cầu tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng cho đến khi NHNN ban hành tiêu chí xét duyệt chặt chẽ hơn. Trong số khoảng 50 hồ sơ xin phép hoạt động ngân hàng, chỉ có 15 hồ sơ được chấp thuận về mặt nguyên tắc. Và trong 15 hồ sơ này, chỉ có 4 trường hợp được cấp phép, duy trì hoạt động cho đến nay (VietBank , BaoVietBank, LienVietPostBank, TPBank); 11 trường hợp còn lại trong đó có Ngân hàng Năng lượng đều không được cấp phép.
11 ngân hàng được NHNN chấp thuận về nguyên tắc nhưng không được cấp phép
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/