|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet báo cáo lợi nhuận gộp cao nhất kể từ đầu dịch

11:12 | 02/08/2022
Chia sẻ
Vietjet ghi nhận lãi gộp hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II năm nay, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.278 tỷ cùng kỳ 2021.

Tàu bay Vietjet chuẩn bị cất cánh, tháng 6/2022. (Ảnh: Song Ngọc).

Kể từ khi COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đã có 6 quý lỗ gộp.

Tuy nhiên trong quý II vừa qua, hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo đã ghi nhận lợi nhuận gộp 1.127 tỷ đồng, cao nhất trong hơn hai năm qua và rất gần với khoản lãi trong quý II/2019 khi đại dịch chưa hoành hành. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là quý thứ 4 kể từ đầu 2020 Vietjet có lãi gộp.

Vietjet lãi gộp 1.127 tỷ đồng trong quý II sau khi lỗ gộp 257 tỷ đồng trong quý I.

Doanh thu thuần trong quý II/2022 đạt 11.590 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái và chỉ kém quý II/2019 khoảng 8%.

Nguồn thu của Vietjet không chỉ đến từ việc bán vé máy bay mà còn từ cước vận tải hàng hóa; chuyển quyền sở hữu và thương mại các tàu bay, động cơ; các hoạt động phụ trợ như bán đồ ăn, đồ uống và vật lưu niệm trên chuyến bay, …

Giá vé của Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã bao gồm phí đồ ăn và thức uống trên chuyến bay. Trong khi đó, giá vé của Vietjet thường thấp hơn một phần vì không bao gồm các dịch vụ “phụ trợ” như đồ ăn. Vì vậy, Vietjet tách riêng nhóm doanh thu này.

Ngoại trừ doanh thu vận chuyển hàng hóa giảm nhẹ, các mảng khác của Vietjet đều có tăng trưởng đáng kể, đem về doanh thu gấp nhiều lần cùng kỳ 2021. Biểu đồ dưới đây cho thấy mảng vận chuyển hành khách và hoạt động bán hàng phụ trợ có đóng góp quan trọng nhất cho Vietjet. 

Mảng vận chuyển hành khách đóng góp 48,5% doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không có thay đổi đột biến so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính lao dốc 86% chỉ còn 238 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần ở doanh nghiệp khác giảm sút.

Chi phí tài chính vọt lên 777 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Trong đó, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và tổn thất đầu tư là 260 tỷ, lãi tiền vay 343 tỷ.

Tuy hoạt động tài chính diễn biến bất lợi hơn so với cùng kỳ nhưng do lợi nhuận gộp từ lĩnh vực kinh doanh chính khởi sắc nên Vietjet vẫn có lãi sau thuế 181 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp hơn 40 lần quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu 16.112 tỷ và lợi nhuận sau thuế 426 tỷ, lần lượt cao gấp 2,1 lần và 3,5 lần cùng kỳ.

Mở rộng mạng bay và tăng quy mô đội tàu

Năm 2022, Vietjet đặt mục tiêu doanh thu 32.720 tỷ đồng, tăng 154% so với con số 12.875 tỷ của năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất phấn đấu đạt 1.000 tỷ đồng, gấp 12,5 lần năm ngoái. Sau nửa đầu năm, hãng bay này đã thực hiện 49,2% kế hoạch doanh thu và 42,6% kế hoạch lợi nhuận.

Vietjet đã khai thác 51.483 chuyến bay trong hai quý vừa qua, tương đương gần 52% kế hoạch cả năm.

Vietjet đứng thứ 2 toàn ngành về số chuyến bay khai thác.

Vietjet đã mở 17 đường bay kết nối các thành phố lớn nhất của Việt Nam và Ấn Độ. Bên cạnh đó, hãng cũng đã đạt được thỏa thuận với Boeing về tái cấu trúc, tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737. Vietjet đánh giá đây là nền tảng quan trọng giúp Vietjet đảm bảo kế hoạch mở rộng đội tàu bay và đáp ứng chiến lược phát triển trong tương lai. 

Theo dữ liệu từ airfleets.net, Vietjet hiện nay vận hành 77 tàu bay, nhiều thứ 2 Việt Nam. Đội bay của Vietjet chủ yếu gồm dòng thân hẹp Airbus A320 và A321, nhưng cũng có hai chiếc thân rộng A330. Chiếc A330 đầu tiên về với Vietjet vào tháng 12/2021, chiếc còn lại vào tháng 4 năm nay. Vietjet hiện chưa khai thác chiếc Boeing nào.

Đức Quyền