|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam với tiềm năng lớn trở thành trung tâm ngành điều thế giới

19:10 | 30/09/2017
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành điều Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn khi nhu cầu trên thế giới ngày càng tăng, trong khi nguồn cung duy trì ở mức thấp.
viet nam co tiem nang tro thanh trung tam nganh dieu the gioi
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị 'Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu'. Ảnh: Lyly Cao.

Ngày 30/9, tập đoàn Pan phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu’, nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế điều và đạt mục tiêu xuất khẩu điều 3 tỷ USD vào năm 2020.

Ngành sản xuất điều Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau hơn 3 thập kỷ phát triển, với kim ngạch xuất khẩu điều nhân đứng số 1 thế giới, chế biến đứng thứ 2, và là quốc gia có năng suất và sản lượng lớn thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây ngành điều gặp nhiều thách thức và còn chưa phát huy được hết tiềm năng của ngành. Sản xuất điều cho năng suất thấp, thu nhập không cao, giá trị gia tăng thấp, diện tích trồng điều giảm do bị thái hóa hoặc bị chuyển đổi sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cà phê, cao su, … hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phi nông nghiệp.

Sản lượng điều chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của 346 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến nhập khẩu điều nguyên liệu ngày càng tăng từ các nhước như Campuchia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Tây Phi,…

Mặc dù vậy, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định ngành điều Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn khi nhu cầu trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập cao và trung bình.

Tiềm năng phát triển

Theo số liệu từ INC Global Statistics Review, nhu cầu về điều trên thế giới giai đoạn 2009 - 2014 là 6,1%, trong khi sản lượng điều nhân thế giới giai doạn 2005 - 2016 chỉ đạt 3,5%.

Theo đó, các quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ nhanh nhất gồm Liên Bang Nga, các nước Trung Đông và Canada với lượng tiêu thụ điều nhân lần lượt là 15,6%, 8,7% và 5,6%. Các quốc gia tiêu thụ điều lớn nhất thế giới là Ấn Độ với khoảng 224.000 tấn (2014), theo sau là Mỹ và các nước châu Âu với lượng tiêu thụ lần lượt là 128.000 tấn và 81.000 tấn.

viet nam co tiem nang tro thanh trung tam nganh dieu the gioi

Một báo cáo khác về tương quan tăng trưởng và nhu cầu của hạt điều so với một số hạt có khối lượng tiêu thụ lớn nhất thế giới năm 2015 cho thấy, sản lượng tiêu thụ của điều chỉ tầm 600.000 tấn, thấp hơn hạt hạnh nhân với lượng tiêu thụ 1 triệu tấn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của điều năm 2011/2015 của điều lại tốt hơn.

Theo chuyên gia phân tích thị trường Lê Văn Liên, trong bối cảnh hạt điều và hạnh nhân là 2 loại hạt được ưa chuộng nhất tại các quốc gia có thu nhập cao, và trong khi hạnh nhân có dấu hiệu tăng trưởng chững lại, thì đây là cơ hội cho hạt điều tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường tại các quốc gia này.

Không những vậy, Việt Nam còn có cơ hội trở thành trung tâm của ngành điều nếu phát triển được vùng nguyên liệu bền vững. Với việc sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao (có thể lên tới 2,5 - 3 tấn/ha), cùng gần 300.000 ha diện tích trồng điều, Việt Nam có thể xây dựng dược vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động trong việc điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu.

Thách thức cho ngành điều Việt Nam

Ông Lê Văn Liên nhận định, thách thức cho ngành điều đến từ chính cơ hội mà nó mang lại. Khi nhu cầu tăng nhưng nguồn cung không đáp ứng được làm cho giá điều tăng trong những trở lại đây. Giá điều tăng làm giá điều thành phẩm tăng, khiến người tiêu dùng dần chuyển sang những sản phẩm thay thế khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành điều thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, sự phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu từ các quốc gia khác, với tỷ lệ nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2007 - 2014 (tỷ lệ nhập khẩu năm 2007 là 39%, trong khi đến năm 2014 là 62,5%), gây ra nhiều tổn thất cho ngành điều Việt Nam. Giá điều thô thế giới và tỷ giá VNĐ/USD biến động mạnh những năm gần đây, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Nguyên nhân cho sự thiếu chủ động và ngày càng phụ thuộc có thể kể đến việc diện tích trồng điều tại Việt Nam có xu hướng giảm liên tục từ năm 2009, và năng suất cây điều qua các năm không được chú trọng cải thiện.

Cùng với đó, việc quyền lực đàm phán của các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam và Ấn Độ yếu hơn so với các quốc gia tiêu thụ như Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản khiến lợi nhuận thu được trong chuỗi giá trị thấp. Theo ông Liên, các nước trồng và chế biến điều chỉ thu được khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị điều.

Về sản xuất, Cục Trồng Trọt (thuộc Bộ NN&PTNT) nhận định yếu tố thời tiết do biến đổi khí hậu, canh tác điều thiếu bền vững (giống không đồng đều, chăm bón không tốt, chưa áp dụng công nghệ kỹ thuật tiến bộ ...), và chưa có sự liên kết giữa các nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp là những khuyết điểm còn tồn tại của ngành điều Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp chế biến, ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐQT công ty Phúc An (Bình Phước) cho biết thêm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là một điểm cần được cải thiện khi hàng rào xuất khẩu từ các quốc gia, đặc biệt là châu Âu ngày một thắt chặt. Đây cũng là yếu tố được ông Bas Rozemuller, Quản lý dự bán ngành Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ tại IFC, đề cập tới khi trả lời phỏng vấn của phóng viên trong việc phát triển ngành điều Việt Nam.

"Tôi cho rằng một vấn đề quan trọng phải được chú ý khi muốn phát triển bền vững cả trong và ngoài nước đối với các ngành chế biến của Việt Nam nói chung và ngành điều nói riêng là đảm bảo an toàn thực phẩm, vì đối với các nước nhập khẩu và nhiều người tiêu dùng Việt Nam rất quan tầm tới vấn đề này. Vì vậy, an toàn thực phẩm sẽ là nhân tố chính đối với các công ty thực phẩm như Pan", ông Rozemuller nói.

Theo ông, điều này rất quan trọng khi nó là xu hướng của thế giới, và Việt Nam cần xây dựng hình ảnh thương hiệu là nguồn cung điều gốc chất lượng, sạch và an toàn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Giải pháp cho sự phát triển

Tham dự Hội nghị, ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch tỉnh Bình Phước, nơi diện tích trồng điều đạt 180.000 ha (hơn một nửa diện tích trồng điều cả nước) và năng suất 1,4 tấn/ha (trong khi năng suất trung bình cả nước là 1,35 tấn/ha), đề nghị chính phủ có chính sách hỗ trợ điều giống với cà phê ở Tây Nguyên vì đã xác định điều là loại cây có giá trị xuất khẩu (giúp người dân xóa đói giảm nghèo), xây dựng hệ thống thủy lợi và xây dựng quỹ điều để hỗ trợ người dân trong trường hợp mất mùa.

Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy năng suất điều có thể tăng được 30 – 40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải phát đột phá để phát triển ngành điều.

Theo đó, nghiên cứu và lưu trữ giống điều mới cho năng suất cao, thích ứng được với biến đổi khí hậu; phát triển giống và quy trình thâm canh điều.

Cục Trồng Trọt kiến nghị tái canh điều bằng giống tốt; đẩy mạnh thâm canh; tăng cường công tác dự báo đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau khi cây điều ra hoa, đậu quả và cập nhật thông tin về đối tượng dịch hại xuất hiện, đồng thời có hệ thống các giải pháp trừ có hiệu quả cho người nông dân; đẩy mạnh tổ chức công tác khuyến nông; và hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà nước và các nhà khoa học, cùng với đó, áp dụng phương pháp vết dầu loang, tái canh theo hình thức cuốn chiếu dần dần để đảm bảo phát triển ngành và thu nhập cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu:

- Các cơ quan nhà nước cần rà soát tổng thể phát triển ngành điều nhằm xác định chương trình khoa học, khuyến nông, sau đó đề xuất các yêu cầu trên tinh thần thực tiễn.

- Tập trung phát triển mô hình sản xuất tại Bình Phước, nơi có diện tích trồng điều và năng suất lớn nhất cả nước. Tiến hành tái canh dần dần 180.000 ha trồng điều, với 30% diện tích cây điều già cỗi tại Bình Phước.

- Mỗi địa phương trồng điều cần xây dựng mô hình thí điểm để phát triển ngành, mang lại giá trị cho người nông dân.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vì tiềm năng phát triển của ngành điều còn rất lớn.

Tố Tố

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.