|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam hạ thuế nhập khẩu đối với thịt heo Mỹ, ngành chăn nuôi có đáng lo ngại?

16:45 | 23/12/2021
Chia sẻ
Theo nguyên lãnh đạo Cục Chăn nuôi việc hạ thuế nhập khẩu đối với thịt heo Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước vì trong suốt giai đoạn vừa rồi nhập khẩu chỉ chiếm 4 -5% so với tổng sản lượng thịt sản xuất.

Theo Meat Poultry, Hội đồng các Nhà sản xuất Thịt heo Quốc gia Mỹ (NPPC) xác nhận, Việt Nam đã đồng ý giảm thuế tối huệ quốc (MFN) đối với sản phẩm thịt heo đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ từ 15% xuống 10%.

Dự kiến, quyết định giảm thuế quan của Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. NPPC nhấn mạnh, việc tiếp cận thị trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của tổ chức này trong vài năm qua.

Trước thông tin này, một số ý kiến tỏ ra lo ngại ngành chăn nuôi heo trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, trao đổi với người viết bên lề Hội nghị Tổng kết Ngành chăn nuôi 2021, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng việc hạ thuế nhập khẩu đối với thịt heo Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước vì trong suốt giai đoạn vừa rồi nhập khẩu chỉ chiếm 4 -5% so với tổng sản lượng thịt sản xuất. 

Việt Nam hạ thuế nhập khẩu đối với thịt heo Mỹ, ngành chăn nuôi có đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: H.Mĩ

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu gần gần 136 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá gần 313 triệu USD trong 10 tháng đầu năm. Con số tăng 28% về lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Con số này còn khá khiêm tốn so với sản lượng heo trong nước lên tới hơn 3,8 triệu tấn.

Trong số các nước Việt Nam nhập khẩu thịt heo nhiều nhất không có sự góp mặt của Mỹ. Theo đó, Việt Nam nhập khẩu thịt heo nhiều từ Nga, chiếm tới gần 40%, tiếp theo là Brazil với tỷ trọng khoảng 16%. 

Việt Nam hạ thuế nhập khẩu đối với thịt heo Mỹ, ngành chăn nuôi có đáng lo ngại? - Ảnh 2.

Cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS: 0203) cho Việt Nam (ĐVT: % tính theo lượng, Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

"Từ trước đến nay, ngay cả khi Việt Nam thừa vẫn nhập mà thiếu vẫn xuất vì căn cứ vào nhu cầu thị trường và lợi ích doanh nghiệp. Thịt đông lạnh chủ yếu cho doanh nghiệp chế biến còn tiêu dùng ở người dân chưa nhiều. 

Bởi, từ trước đến nay người Việt Nam vẫn có tập quán ăn thịt nóng hoặc thịt mát thay vì đông lạnh. Do đó, thịt đông lạnh không có lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam", ông Trong nói

Ông Trọng kỳ vọng thời gian tới thịt heo Việt Nam sẽ tăng lợi thế cạnh tranh hơn nữa bằng cách hạ chị phí sản xuất. Vừa qua, nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được giảm thuế, có loại thậm chí còn 0%. Do đó, vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt, góp phần giảm chi phí chăn nuôi. 

Hiện Việt Nam vẫn phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc giá ngô, đậu tương thế giới tăng mạnh trong quý III kéo theo giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng mạnh. Trong khi đó, thức ăn chiếm tới khoảng 70% giá thành chăn nuôi.

H.Mĩ