|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam đã xuất khẩu 65 – 70% sản lượng cà phê của niên vụ 2023-2024

17:27 | 14/05/2024
Chia sẻ
Tính đến hết tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu 65-70% sản lượng của niên vụ 2023-2024. Mặc dù vậy, giá cà phê trong nước đã bất ngờ đảo chiều và giảm 25% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 4, xuống quanh mốc 100.000 đồng/kg.

Xuất khẩu 65 – 70% sản lượng niên vụ 2023-2024

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 737.797 tấn cà phê trong 4 tháng đầu năm với giá trị thu về kỷ lục 2,5 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng tới 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá tăng cao.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Tính riêng trong tháng 4 chỉ đạt 152.073 tấn, trị giá gần 573 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và giảm 14,7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 7% về lượng nhưng tăng 43,6% về trị giá.

Đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, dấu hiệu cho thấy nguồn cung trong niên vụ hiện tại có thể đang cạn dần.

Kết thúc 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,1 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Với kết quả này, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 65 - 70% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Trong tháng 4, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 3.768 USD/tấn, tăng 6% so với tháng trước và tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu tăng 49,1% lên mức bình quân 3.389 USD/tấn.

Về thị trường, EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 40,8% tổng khối lượng xuất khẩu với 300.885 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 2,8%; Italy tăng 4,8%; Tây Ban Nha tăng 53,7%; Hà Lan tăng 60,5%...

Nhật Bản đứng ở vị trị tiếp theo với 50.134 tấn, trị giá 181,1 triệu USD, tăng 32,6% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác trong khu vực châu Á cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Indonesia  (tăng 75%); Philippines (122%); Trung Quốc (33%); đặc biệt Thái Lan tăng (204%); Malaysia (68%)...

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Giá cà phê trong nước giảm 25% từ mức đỉnh

Tại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch từ ngày 8/5 đến 13/5, giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 6.000 – 6.500 đồng/kg lên mức 100.000 – 101.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn giảm tới 25%, tương ứng hơn 33.400 đồng/kg so với mức đỉnh 134.400 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 4 vừa qua. 

  Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp  

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn London cũng giảm giảm 17,4% so với mức đỉnh, xuống còn 3.440 USD/tấn.

Tương tự, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn New York kỳ cũng giảm 11,6%, xuống còn 201,1 US cent/pound.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường cà phê trong thời gian gần đây.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sự sụt giảm này chủ yếu là do sự phục hồi của tồn kho trên sàn ICE; chốt lời trên thị trường giấy (vị thế mua ròng của thị trường châu Âu trên sàn ICE đã giảm 5.042 lô trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 23/4); và đồng USD mạnh lên thúc đẩy hoạt động bán ra.

Giá cà phê cũng bị ảnh hưởng bởi dữ liệu thương mại được ICO công bố cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 3 toàn cầu tiếp tục tăng 8,1% so với cùng kỳ lên gần 13 triệu bao. Lũy kế trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm nay) xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 10,4% lên 69,2 triệu bao.

Tồn kho arabica tại New York đã tăng lên 667.376 bao vào cuối tháng 4, mức cao nhất trong 1 năm qua. Trong khi tồn kho robusta trên sàn ICE cũng đạt mức cao nhất 5 tháng.

  Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp  

Ngoài các yếu tố kể trên, những lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt. Lũ lụt nghiêm trọng đã khiến hàng nghìn người phải di dời ở bang cực nam Rio Grande do Sul của Brazil, tuy nhiên, lũ lụt không ảnh hưởng đến các vùng trồng cà phê.

Brazil đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê robusta với sản lượng dự kiến tăng trong năm thứ 4 liên tiếp, với mức tăng 7,2% so với niên vụ trước lên 17,3 triệu bao.

Cơ quan Thống kê nông nghiệp Brazil (Conab) cho biết, năng suất trung bình của các cánh đồng trồng cà phê robusta ở nước này đã tăng khoảng 50% trong vòng 10 năm lên 44,2 bao (60 kg)/ha. Ngược lại, năng suất trên các cánh đồng trồng cà phê arabica tăng 24% trong cùng kỳ lên 26,7 bao/ha.

Còn tại Việt Nam, vùng Tây Nguyên đã có lượng mưa tăng trong tuần đầu tiên của tháng 5, điều này rất cần thiết sau tháng 4 khô hạn hơn bình thường. Theo truyền thống, mùa mưa ở Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài đến khoảng tháng 10 hàng năm.

Mặc dù vậy, lượng mưa trong tháng 5 dự kiến vẫn sẽ thấp hơn mức trung bình và điều này đang được những người tham gia thị trường theo dõi chặt chẽ.

Giá cà phê trong nước và thế giới nhìn chung đã giảm khá mạnh kể từ đầu tháng 5 đến nay, nhưng vẫn cao hơn trung bình các năm trước và dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung robusta toàn cầu.

Nguồn cung robusta từ vụ thu hoạch mới tại Brazil được cho là khó có thể bù đắp được sự sụt giảm ở các nước sản xuất hàng đầu khác như Việt Nam, Indonesia…

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa), biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà ảnh hưởng các vùng trồng toàn cầu.

“Niên vụ 2023-2024 dự báo chịu tác động của El Nino lớn hơn so với các niên vụ trước. Những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng niên vụ năm nay giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm 10%", đại diện của Vicofa cho biết. 

Hoàng Hiệp