Việt Nam chi hơn nửa tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm
Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày tháng 4 đạt 497 triệu USD, tăng 3,14% so với tháng 3. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 1,7 tỉ USD, tăng 0,77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4/2018, Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc nhất, kim ngạch đạt 189 triệu USD, chiếm 38,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 12,39% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường giảm 2,09% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 645 triệu USD.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc đứng thứ 2 đạt 66 triệu USD, chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch, tăng 17,87% so với tháng 3. Giống như Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày bốn tháng giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đài Loan và Mỹ xếp thứ 3 và 4 trong số những thị trường xuất khẩu nhiều nguyên phụ liệu dệt may, da giày sang Việt Nam, lần lượt đạt 41 triệu USD và 26 triệu USD tăng 17,8% và 13% so với tháng trước.
4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu dệt may, da giày sang Việt Nam lớn nhất |
Một số thị trường có kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày vào Việt Nam trong 4 tháng đầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm Canada (179,76%), Hà Lan (56,56%), Indonesia (32,74%).
Trái lại, nhập khẩu từ thị trường Achentina, Newzealand, Pháp giảm mạnh từ 41%- 51% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay việc tuân thủ quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do đang là vấn đề lớn đối với ngành dệt may khi 80% nguyên phụ liệu là nhập khẩu. Trong khi đó, sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn/năm nhưng 90% dùng cho xuất khẩu và phải nhập 876.000 tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm 50% tổng giá trị.
Trong năm 2018, Hiệp hội đặt mục tiêu sản xuất xơ, sợi tự nhiên và tổng hợp đạt 2,2 triệu tấn và đến năm 2025 đạt 4 triệu tấn. Điều này giúp ngành dệt may dễ dàng đáp ứng những tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do.