Việt Nam bùng nổ các dự án điện mặt trời
Mạnh tay chi hàng tỷ USD cho loạt dự án điện mặt trời
Việt Nam đang triển khai hàng loạt dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm đối phó với khả năng thiếu nguồn điện sau khi hủy các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trước đó vào tháng 11/2016, Chính phủ buộc phải hủy hai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận do chi phí ban đầu quá lớn, lên tới hàng tỷ USD đối với mỗi lò phản ứng.
Việt Nam bùng nổ các dự án điện mặt trời. (Ảnh minh họa) |
Tập đoàn Thiên Tân (TTC) là một trong những nhà đầu tư gây chú ý khi tuyên bố sẽ chi 2 tỷ USD để xây dựng 5 nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận tới năm 2020. Trong đó, nhà máy điện mặt trời với công suất 50 MW sẽ đi vào vận hành từ năm nay; 4 nhà máy còn lại, với công suất 200 – 300 MW/nhà máy sẽ được triển khai sau đó. 5 nhà máy điện mặt trời này ước tính sẽ tạo ra tổng 1 GW, tương đương tổng sản lượng điện của một lò phản ứng hạt nhân.
TTC đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ xây dựng được 20 nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại các tỉnh phía Nam, bao gồm một nhà máy công suất 320 MW ở Tây Ninh và một nhà máy công suất 300 MW ở Bình Thuận.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đưa điện mặt trời trở thành nguồn cung cấp điện chính của cả nước. Hiện tại, điện mặt trời chỉ chiếm 0,01% tổng công suất phát điện. Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ đẩy con số này lên 3,3% vào năm 2030 và lên 20% vào năm 2050.
Trong bối cảnh giá tấm pin mặt trời đang giảm dần và Chính phủ có kế hoạch mua lượng điện mặt trời dư thừa thì loại năng lượng này sẽ nhanh chóng lan phổ biến trong cộng đồng.
Các dự án điện mặt trời sẽ bùng nổ ở đâu?
Miền Nam, bao gồm cả TP.HCM, có rất nhiều diện tích đất trống nên việc dành ra 50 – 70 ha để xây dựng các nhà máy điện mặt trời là điều khá dễ dàng. Sản lượng điện hàng năm của khu vực miền Nam sẽ cao hơn 20 – 30% so với các thành phố lớn của Nhật Bản, theo ước tính của một tờ báo trong nước.
Là tỉnh có nhiều nắng và đất trống, Ninh Thuận rất phù hợp để phát triển điện mặt trời. Ninh Thuận chủ trương thu hút các dự án điện mặt trời như là một phương án thay thế sau khi dự án điện hạt nhân bị hủy bỏ. Tỉnh dự kiến sẽ xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn với tổng công suất lên tới 4,85 GW đến năm 2030.
Không chỉ Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa cũng đã bắt đầu triển khai các dự án điện mặt trời với tổng công suất 120 MW nhờ vốn đầu tư từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số công ty khác. Các nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động từ năm nay.
Điện gió - một trong hai ngành năng lượng tái tạo phổ biến ở Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa) |
Việt Nam bùng nổ loạt dự án năng lượng tái tạo
Chính phủ Việt Nam chú trọng hơn vào phát triển năng lượng tái tạo từ sau bê bối phát thải của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và làn sóng chỉ trích sự phục thuộc quá lớn của Việt Nam vào các nhà máy nhiệt điện (sử dụng than). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định sẽ không vì tăng trưởng kinh tế mà phải trả giá bằng môi trường.
Tháng 4/2017, công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) đã xây dựng xong nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên ở Hà Nội. Nhà máy này có thể đốt 75 tấn rác thải mỗi ngày, và sử dụng nhiệt sinh ra để phát điện với công suất đạt 1.930 KW, đủ cho 5.000 hộ gia đình sử dụng. Công ty xử lý rác thải Ichikawa Kankyo Engineering cũng sản xuất thành công RPF, là nhiên liệu thể rắn chất lượng cao sản xuất từ nguyên liệu chính là giấy loại và nhựa thải, tại Hà Nội.
Công ty điện mặt trời Superblock (Thái Lan) cũng dự kiến liên doanh với một công ty Việt Nam để bắt đầu vận hành 6 nhà máy điện gió với tổng công suất phát điện 700 MW tại miền Nam Việt Nam vào năm 2019.