|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việc đặt mục tiêu lãi suất chênh 2 - 3% với lạm phát sẽ rất khó điều hành

21:37 | 07/10/2016
Chia sẻ
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã cho biết như vậy tại Phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng nay (7/10) nhằm chuẩn bị báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm 2016, trên cơ sở các chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng GDP, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng tăng từ 18-20%. Cập nhật số liệu đến hết tháng 9/2016, tín dụng đã tăng ở mức 11,74%; trong khi, 9 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 11%. Như vậy, so với cùng kỳ, mức tăng này khả quan hơn.

Do giai đoạn cuối năm tín dụng thường tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, (bình quân như các tháng trong năm trước cũng vào khoảng từ 2% đến trên 2%/tháng), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhiều khả năng cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được chỉ tiêu định hướng 18-20%.

viec dat muc tieu lai suat chenh 2 3 voi lam phat se rat kho dieu hanh

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Trước ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng đang ở mức quá cao và năm 2016 tín dụng nên ở mức 15 - 16%, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với nội tại của nền kinh tế Việt Nam, thị trường vốn chưa phát triển nên nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn của ngân hàng. Chính vì vậy, nếu điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức 15%-16% e rằng DN sẽ kêu thiếu vốn. "Đặc biệt, trong năm 2016, kênh giải ngân từ đầu tư công vẫn còn chậm, nên tín dụng vẫn là một kênh quan trọng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, NHNN chỉ đạo rất quyết liệt, điều hành theo hướng mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn và hiệu quả. Theo đó, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 và đến tháng 5, Thống đốc ban hành tiếp Chỉ thị 04, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với bất động sản, tín dụng trung dài hạn hay tín dụng cho các dự án BOT, BT.

Nhờ đó, mặc dù tín dụng bất động sản vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm lại rất nhiều so với tốc độ tăng của năm 2015. Cụ thể, đến 31/8/2016, tín dụng bất động sản tăng 6,73%, chậm so với tốc độ tăng 13,06% của cùng thời kỳ năm 2015. "Diễn biến và xu hướng này đã đang diễn ra rất đúng với chỉ đạo của Thống đốc NHNN", Phó Thống đốc nêu rõ.

Liên quan đến lạm phát và cung tiền, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN hoàn toàn đồng tình với đánh giá là lạm phát đang quay trở lại. Tuy nhiên, đến tháng 9 CPI mới tăng 3,14% so với cuối năm 2015, thể hiện sự chủ động của Chính phủ trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng và các dịch vụ y tế, giáo dục năm 2016. Đối với lạm phát cơ bản, hiện nay, tháng 9 tăng 1,58% so với cuối năm 2015, nếu so với cùng kỳ thì tăng 1,85%, vẫn nằm trong dao động từ 1,5-1,9% như những tháng vừa qua.

Điều này cho thấy chính sách tiền tệ hiện nay cũng khá ổn định. Trong điều kiện lạm phát cơ bản như vậy, vẫn cho phép NHNN thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian qua, "tuy nhiên, trong điều hành, NHNN không chủ quan với diễn biến lạm phát", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định. Theo đó, NHNN theo dõi rất sát số liệu cung ứng tiền để có những giải pháp điều hành phù hợp nếu lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, số liệu nợ xấu cập nhật đến tháng 8/2016 ở mức 2,66%, là mức thấp hơn mức 3% như mục tiêu đã đưa ra vào cuối năm 2015.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã xử lý được 58,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu xử lý được là nhờ thu nợ từ các khách hàng, cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế cũng giúp cho khách hàng có thể trả nợ được.

Thứ hai là sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu cũng như bán các loại tài sản để thu hồi nợ.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay VAMC chỉ mua vào 16 nghìn tỷ đồng nợ xấu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy đa số các TCTD đều có mức nợ xấu dưới 3% nên không có nợ xấu để bán cho VAMC.

“Vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu đã mua về VAMC”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ và cho biết thêm, trên thực tế, NHNN đã tiếp tục triển khai nhưng vấn đề xử lý nợ xấu đang gặp rất nhiều khó khăn về quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo…

"Hiện nay, NHNN đang tiếp tục nghiên cứu để đưa những nội dung này trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để trình lên các cấp", Phó Thống đốc cho biết.

Liên quan đến việc dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 có đặt mục tiêu cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý từ 2-3% so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, về vấn đề này NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, chính sách tiền tệ (CSTT) là chính sách ngắn hạn và phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để điều chỉnh phù hợp, nên nếu đưa ra một mục tiêu như vậy thì sẽ rất khó cho điều hành.

Bên cạnh đó, thông thường lãi suất cho vay bao giờ cũng được tính toán dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí hoạt động của các trung gian tài chính. Bởi vậy, nếu hiểu mục tiêu này là lãi suất phải thấp hơn 2-3% so với mức lạm phát. Trong khi theo định hướng của kế hoạch 2016-2020, lạm phát trong những năm đầu là khoảng 4%, và đưa lạm phát về 3% vào năm 2020.

"Nếu trừ đi như vậy thì lãi suất cho vay là 1%, có hợp lý hay không? Chưa kể đến việc còn trừ đi chi phí của hoạt động trung gian thì lúc đó lãi suất huy động sẽ là 0% hay là âm?", Phó Thống đốc nêu vấn đề.

Trao đổi thêm bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bổ sung: Nếu hiểu lãi suất cho vay chênh lệch thấp hơn lạm phát là 2-3%/năm thì là như vậy. Còn nếu hiểu lãi suất cho vay chênh lệch cao hơn lạm phát 2-3% thì cũng không hợp lý khi so với các nước khác (chênh lệch lãi suất cho vay và lạm phát của các nước khoảng 4-7%: Indonesia 6,3%, Malaysia 2,5%, Philippines 4,2%, Singapore 5,8%, Ấn Độ 4,4%, Thailand 7,5%).

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực vì lãi suất cho vay đến cuối năm 2015 (theo số liệu của WB): Indonesia 12,7%, Malaysia 4,6%, Philippines 5,6%, Singapore 5,35%, Ấn Độ 10,3%, Thailand 6,6%, Việt Nam phổ biến 6-11% (bình quân ~7-9%), Doanh nghiệp tốt vay 4-5%.

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc cũng cho rằng trong điều hành phải bám sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp, có cơ hội giảm được để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là cố gắng giảm và không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Theo Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/