|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao xuất khẩu gạo sụt giảm ngay từ đầu năm?

09:00 | 28/03/2017
Chia sẻ
Chưa hết quý I/2017 song kim ngạch xuất khẩu gạo được dự báo tiếp tục giảm khi lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 đã giảm 11% xuống hơn 1 triệu tấn. Nguyên nhân là, xuất khẩu sang nhiều thị trường giảm mạnh, nguồn cung thế giới dồi dào trong khi gạo Việt Nam không đủ sức cạnh tranh thị trường xuất khẩu. 

Xuất khẩu sang các thị trường giảm mạnh

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 11% xuống 1 triệu tấn, tương đương kim ngạch giảm 21% xuống gần 440 triệu USD.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường liên tục giảm. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gạo sang 2 thị trường chủ đạo là Trung Quốc và Philippines vẫn tăng trưởng nhưng xuất khẩu sang phần lớn các thị trường khác đều giảm mạnh. Kết quả là tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước giảm mạnh.

Trong đó, Ghana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam đã giảm lượng nhập khẩu tới hơn 63% xuống 19,5 nghìn tấn, tương đương giảm hơn 62% về kim ngạch. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu gạo sang một số thị trường như Malaysia, Singapore, Hồng Kông...cũng giảm hơn 30% cả lượng và kim ngạch.

Xét về thị trường gạo xuất khẩu theo khu vực, những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống đều có xu hướng giảm nhập khẩu. Cụ thể, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Châu Á giảm tới 35%; sang Châu phi giảm 9%; sang Châu Âu giảm 26%...

Ngoài ra, cơ cấu nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu cũng giảm mạnh. Trong đó, lượng gạo cao cấp giảm 42% (đạt 1,058 triệu tấn); gạo cấp thấp giảm 57% (đạt 355 nghìn tấn); gạo tấm giảm tới 62% (đạt 175 nghìn tấn)...

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh một phần do việc thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc đang đề ra tiêu chuẩn nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa ra chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới và công tác kiểm tra thực địa đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trong đó có Việt Nam. Điều này khiến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này không tăng nhiều so với năm trước.

Tại Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới diễn ra ngày 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng cho biết, tới đây Bộ sẽ sang Trung Quốc để thảo luận về vấn đề xuất khẩu gạo. Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là một thị trường dễ tính, nhưng đến nay thị trường này đang đưa ra yêu cầu khắt khe hơn. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản nói chung và gạo nói riêng cần chú ý chất lượng nếu không muốn gặp khó khăn.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực (VFA), tính đến ngày 28/02, số hợp đồng đăng ký hợp xuất khẩu gạo giảm 18% xuống 1,85 triệu tấn, hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 1,2 triệu tấn; tồn kho doanh nghiệp là 977 nghìn tấn.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp và chuyên gia VFA, việc thực hiện giao hàng hợp đồng gạo với một số nước như Philippines, Cuba và nhu cầu xuất khẩu qua biên giới phía Bắc có xu hướng tăng là những yếu tố giúp đẩy giá thóc, gạo nội địa lên cao dù đang trong thời điểm thu hoạch rộ.

vi sao xuat khau gao sut giam ngay tu dau nam
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Năm 2017 - sẽ vất vả cạnh tranh thị trường xuất khẩu

Trước diễn biến của thị trường gạo quốc tế, có thể nói năm 2017 đang đặt ra nhiều thử thách đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Trong đó, việc điều chỉnh chính sách của các nước xuất khẩu gạo cũng như tình trạng dư cung kéo dài, tồn kho lớn, hay các nước đẩy mạnh tự cung tự cấp đã gây bất lợi tới nhu cầu và tâm lý thị trường, khiến cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt. Theo đó, hoạt động thương mại của gạo Việt Nam cũng chịu nhiều tác động.

Cụ thể, nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia đang tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng đến tự chủ về lương thực và thay đổi chính sách nhập khẩu gạo.

Ngoài ra, các nước này cũng tích cực xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc tăng cường quan hệ thương mại gạo các nước.

Theo đó, Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nước để "đoạt" được thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, nguồn cung gạo toàn cầu cũng được dự báo sẽ dồi dào hơn trong năm nay.

Bộ NN&PTNT dẫn dự báo của Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho hay, sản lượng gạo toàn cầu năm 2017 tăng gần 2% so với năm trước, lên 480,1 triệu tấn. Thương mại gạo toàn cầu tăng 3% lên 41,5 triệu tấn; đồng thời, tồn kho gạo tới cuối năm đạt mức 118 triệu tấn, tăng 1%.

Đáng chú ý, USDA dự báo nguồn cung gạo toàn cầu tiếp tục dồi dào trong khi nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Cụ thể là kết thúc năm 2016, Thái Lan còn tồn kho 8,39 triệu tấn, chưa kể lượng gạo từ các vụ mới năm 2016. Với mục tiêu giải quyết hết gạo cũ tồn kho trong kho quốc gia trong nửa đầu năm 2017, Thái Lan sẽ đẩy mạnh bán ra thông qua các đợt đấu thầu, làm gia tăng cạnh tranh giá.

Ngoài ra theo báo cáo của VFA, trong 2 tháng đầu năm, Campuchia đã xuất khẩu 46,4 nghìn tấn gạo xay xát sang Trung Quốc, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Nước này còn dự kiến bán 200 nghìn tấn gạo xay xát cho Trung Quốc trong năm 2017.

Bài toàn chất lượng gạo

Bên lề Hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho rằng, thách thức của ngành gạo là phải là làm thế nào để tăng được giá trị từ sản phẩm gạo chứ không phải là tăng số lượng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú trọng xuất khẩu theo hợp đồng của Chính phủ. Theo đó, những hợp đồng này có thể mua bất cứ giống gạo nào “tương đồng” rồi đem trộn lẫn vào nên gạo Việt Nam mới hay bị chê khi xuất sang các nước.

"Hiên nay, chúng ta quên mất một điều là gạo Campuchia đã vượt qua gạo Việt Nam chỉ đơn giản là gạo của họ “sạch” hơn tức là không bị pha tạp nên ngon và chất lượng tốt hơn. Riêng gạo của Lào thì hơn hẳn Việt Nam. Như vậy, nếu không thực hiện theo hướng thay đổi thế chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết trong chuỗi thì chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước khác. Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu là có thể xảy ra" - Ông Anh cho biết.

An Vũ