|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao nhà đầu tư châu Á ồ ạt đổ tiền vào bất động sản Nhật Bản?

08:09 | 10/11/2017
Chia sẻ
Lần đầu tiên trong 17 năm, tổng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Nhật giờ còn cao hơn tổng vốn của các quỹ, công ty và các tổ chức Nhật vào thị trường.
vi sao nha dau tu chau a o at do tien vao bat dong san nhat ban
Ảnh: Late Stays

Các quỹ đầu tư nước ngoài đang mua gom ngày một nhiều bất động sản tại Nhật Bản. Hai yếu tố quan trọng hấp dẫn họ chính là việc đồng yen yếu và lãi suất tiền gửi, tín dụng ở Nhật đang ở mức siêu thấp.

Trong nửa đầu năm tài khóa 2017 (bắt đầu từ tháng Tư), so với cùng kỳ năm 2016, tổng giá trị các bất động sản Nhật được nhà đầu tư nước ngoài mua gom tăng 3,3 lần lên 657 tỷ yen tương đương 5,81 tỷ USD, theo tính toán của Urban Research Institute (URI), bộ phận nghiên cứu thuộc Mizuho Trust & Banking. Con số này tính toán dựa trên 36% các giao dịch do doanh nghiệp và nhà đầu tư tổ chức mà URI theo dõi và có thể thu gom được số liệu.

Dòng vốn ngoại, đặc biệt từ các nước châu Á, trở thành dòng vốn mạnh nhất vào thị trường. Tổng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Nhật giờ còn cao hơn tổng vốn của các quỹ, công ty và các tổ chức Nhật vào thị trường. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm người ta chứng kiến sự thay đổi bất ngờ của dòng vốn như vậy.

Tổng giá trị bất động sản Nhật được các nhà đầu tư ngoại mua gom trong nửa đầu năm tài khóa 2017 như vậy cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau con số 782 tỷ yen nửa đầu năm tài khóa 2014.

Dòng vốn ngoại vào ồ ạt khiến giá bất động sản tại Nhật tăng vọt.

Nhà đầu tư châu Á đặc biệt quan tâm đến những hợp đồng bất động sản giá trị cao. Quỹ thịnh vượng Singapore (GIC) đã liên kết với một quỹ bất động sản Nhật để mua khách sạn Sheraton Grande Tokyo Bay gần công viên giải trí Tokyo Disney Land với giá khoảng 100 tỷ yên.

Trưởng bộ phận đầu tư tại GIC Real Estate, ông Lee Kok Sun, khẳng định quỹ sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm những tài sản giá trị có tiềm năng mang lại dòng tiền ổn định.

Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc trong khi đó lại mua khoảng 200 tòa nhà cho thuê ước tính trị giá khoảng 260 tỷ yen từ tập đoàn Blackstone. Trước đó, Blackstone đã mua các tòa nhà này từ General Electric chi nhánh tại Nhật, tuy nhiên đến năm nay, Anbang đã thuyết phục thành công để Blackstone đồng ý bán lại.

Nửa đầu năm tài khóa 2017, tổng giá trị các giao dịch mà Nomura Real Estate Development thực hiện với các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng đến 50% so với cùng kỳ. Kể tử khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm nhiệm sở, số lượng những nhà đầu tư Hàn Quốc mua bất động sản Nhật tăng đột biến.

Theo nhận định của Nomura, nhiều khả năng các bất ổn chính trị tại Hàn Quốc đã khiến nhà đầu tư Hàn Quốc lo lắng và vì vậy chuyển một phần tài sản của họ sang nước an toàn hơn.

Không chỉ các nhà đầu tư châu Á quan tâm đến bất động sản Nhật, quỹ Fortress Investment Group của Mỹ trong tháng Bẩy cũng mua khoảng 500 tòa nhà căn hộ với giá khoảng 25 tỷ yen. Những tòa này được xây dựng chuyên để cho người già, người tàn tật và thất nghiệp thuê.

Ở hiện tại, nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn với môi trường lãi suất siêu thấp của Nhật. Với mức lãi suất tín dụng thấp, nhà đầu tư vẫn kiếm được lãi kể cả nếu lợi suất đầu tư không quá cao.

Nhà đầu tư bất động sản toàn cầu luôn quan tâm đến chênh lệch giữ lãi suất tín dụng và lợi suất đầu tư. Mức chênh lệch lợi suất này thường khoảng 2% ở New York và London; tại Hồng Kông và Thượng Hải là chưa đầy 1%; còn tại Tokyo, mức chênh lệch này lên đến 3,2%, theo tính toán của Cushman & Wakefield.

Đồng yen ngày một yếu đi cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư bởi bất động sản Nhật trở nên rẻ đi trong mắt nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác. Nhiều tổ chức bất động sản dự báo xu thế nhà đầu tư ngoại mua gom bất động sản Nhật sẽ vẫn dâng cao trong thời gian tới.

Trung Mến

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.