Vì sao ngân hàng vẫn 'chùn tay' hỗ trợ Startup và SME?
Ảnh minh họa |
03 điểm yếu của SME khó vay vốn ngân hàng
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP (2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 có khoảng 01 triệu doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp 48 - 49% GDP, năng suất lao động tăng bình quân 5%/năm… Trong đó, đưa ra 05 nhóm giải pháp quan trọng về cải cách hành chính; về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; về đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp; về giảm chi phí kinh doanh; về bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Với mục tiêu trên cần phải có hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đến nay việc tiếp cận vốn ngân hàng đối với các Startup còn quá nhiều khó khăn, ngay cả SME cũng không ngoại lệ. Vậy đâu là lý do khiến nhiều ngân hàng vẫn chùn tay cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) hay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)?
Phát biểu tại Hội nghị “Trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các Tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM” ngày 12/4 tại TP.HCM, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa có 03 điểm yếu nên khó vay vốn ngân hàng, đó là:
- Tài sản không ổn định
- Tài chính không chứng minh được
- Sản phẩm khó cạnh tranh
Hiện nhiều ngân hàng cũng nôn nóng muốn mở rộng cho vay đối với khách hàng là các Startup nhưng ngân hàng cần phải có cơ chế rõ ràng từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Cần có Quỹ đầu tư mạo hiểm
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần nghiên cứu để cho phép các ngân hàng thương mại thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Vì đối với SME và Startup thì tài sản đảm bảo ít hoặc hầu như không có, nếu cho vay theo phương án kinh doanh thì phương án không rõ ràng, không thuyết phục, chu kỳ sản phẩm không dài. Do đó, đặc biệt là các Startup có yếu tố trông chờ vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), để đẩy mạnh cho vay SME và Startup cần có một Trung tâm hỗ trợ SME tại TP.HCM. Hiện Viện nghiên cứu kinh tế TP.HCM đang đơn phương và tự phát hỗ trợ SME về nhiều mặt. Nếu có Trung tâm hỗ trợ này thì các ngân hàng có thể kết nối cho vay mạnh hơn.
Về cho vay Startup, trước đó tại TP.HCM cũng có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng đến nay hầu như không hoạt động.
Trong khi đó, TP.HCM cũng có riêng một chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đối với OCB tham gia chương trình, kết quả trong 3 tháng đầu năm 2017 còn khiêm tốn khi chỉ có 13 hồ sơ.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 2/2017, doanh số giải ngân của ngân hàng cho các doanh nghiệp được hỗ trợ đạt 52.622 tỷ đồng, ứng với 3.416 khách hàng vay vốn.
Mục tiêu trong năm 2017, 16 ngân hàng có trụ sở tại địa bàn TP.HCM cam kết gói tín dụng hỗ trợ là 226.177 tỷ đồng và 10 triệu USD.