Vì sao một công ty công nghệ như Ahamove vẫn phải chuyển đổi số?
Tại diễn đàn Shark Tank Forum 5, ông Nguyễn Cảnh Thức, Giám đốc công nghệ (CTO) nền tảng giao hàng Ahamove đã chia sẻ hành trình chuyển đổi số về mặt nhân sự của một công ty công nghệ.
Theo ông Thức, ngay từ thời điểm bắt đầu Ahamove đã xác định công ty sẽ kinh doanh sản phẩm số và các hoạt động từ chính đến phụ của công ty đều phải số hóa, song thời điểm dịch vụ của Ahamove có mặt trên thị trường thì công ty lại chưa có giải pháp để giải quyết các công việc nội bộ. Doanh nghiệp này nhìn thấy đây là vấn đề cần phải giải quyết.
“Ahamove có khoảng 300 nhân sự và chưa khi áp dụng chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy việc giám sát, theo dõi hay tương tác, giao việc giữa các nhân sự trong công ty còn rất thủ công, không được hiệu quả. Sau khi triển khai chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy các vấn đề về nhân sự đã giảm đi 20-30%, đồng thời các bạn nhân viên Ahamove thường sử dụng ứng dụng nội bộ để tương tác với nhau, giúp việc giải quyết các vấn đề giấy tờ được nhanh hơn”, ông Nguyễn Cảnh Thức chia sẻ.
Là một công ty công nghệ, ông Nguyễn Cảnh Thức thừa nhận doanh nghiệp này không gặp phải trở khi áp dụng chuyển đổi số cho nhân sự. “Ahamove không phải chuyển đổi từ công ty truyền thống sang doanh nghiệp số. Các nhân sự của Ahamove đều phải sử dụng các ứng dụng công nghệ và phần mềm để giải quyết công việc nội bộ”, ông Thức nói.
Giám đốc công nghệ Ahamove tiết lộ từ khi công ty được thành lập, Ahamove đã có một bộ phận và công nghệ ngân hàng chuyên xây dựng các giải pháp và công nghệ để xử lý công việc nội bộ. Do đó, khi làm việc với các đối tác về chuyển đổi số thì Ahamove có lợi thế rất nhiều về điều đó.
Bên cạnh đó, ông Thức cho biết khi hợp tác với đối tác chuyển đổi số, nếu Ahamove không thể đáp ứng được sự đầu tư chuyển đổi số mà đối tác đưa ra thì đối tác sẽ cho Ahamove những cách tiếp cận phù hợp hơn.
CTO Ahamove tin rằng để có cách tiếp cận đó, doanh nghiệp cần có sự quyết liệt từ ban lãnh đạo để chứng minh được những hiệu quả to lớn từ quá trình chuyển đổi số đối với doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao sự tự tin cho bộ phận cấp dưới.
Chia sẻ về khó khăn trong việc chuyển đổi số, ông Nguyễn Cảnh Thức cho biết khó khăn nhất là giai đoạn chuyển đổi từ A qua B, chắc chắn sẽ gặp sai số. “Khi mình đang dùng sản phẩm mới, có thể khác biệt hoặc chưa đúng với quy trình cũ. Như vậy, ở góc độ ban lãnh đạo và đội dự án đang triển khai sẽ phải có sự chuẩn bị xử lý nhanh sai số đó, như thế việc chuyển đổi số sẽ trôi chảy hơn”, ông Thức chia sẻ kinh nghiệm.
CTO Ahamove cho biết sau khi ứng dụng chuyển đổi số, mức độ tăng trưởng hiện tại của công ty ông đang giữ ở mức ổn định, khoảng 300 nhân viên và nó chưa thể hiện rõ mức độ tăng trưởng của việc áp dụng chuyển đổi nhân sự. Tuy nhiên, ông Thức cho rằng kết quả được thể hiện rõ hơn ở một khía cạnh khác.
Theo đó, Ahamove là nền tảng công nghệ kết nối giữa khách hàng và tài xế và hiện tại đã đạt có hơn 200.000 tài xế ký hợp đồng điện tử trên nền tảng. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, Ahamove đã giúp nhân sự xử lý các tác vụ với tài xế một cách dễ dàng hơn.
“Với một lượng tài xế lớn như vậy, chuyển đổi số giúp Ahamove tiết kiệm được nguồn tài nguyên về giấy và chỉ cần vài nhân viên đã có thể kiểm soát được việc giám sát, ký hợp đồng với tài xế. Đồng thời, dữ liệu lại được lưu trữ trong một thời gian dài. Đó là một trong minh chứng cho thấy chuyển đổi số mang lại những giá trị to lớn cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Cảnh Thức chia sẻ.
Với kinh nghiệm đã trải qua cùng, ông Nguyễn Cảnh Thức khuyên các doanh nghiệp mới như startup nên dùng công nghệ “nhàm chán” - công nghệ đã được áp dụng thành công, không nên tập trung vào công nghệ mới chưa được chứng minh hay có sự đảm bảo. “Đó là những công nghệ an toàn nhất, phù hợp với startup. Tuy nhiên, một công ty mà ứng dụng được công nghệ mới thì nó sẽ được ứng dụng từ trong ra ngoài”, ông Thức lưu ý.
Theo CTO Ahamove, điều này có nghĩa đây là “đặt cược” vào những công nghệ có khả năng phát triển để phục vụ những nhu cầu bên trong, giải quyết “nỗi đau” của doanh nghiệp. “Khi đã tự tin rằng những công nghệ mới này đã giải quyết bài toán của mình thì hoàn toàn có thể đưa những công nghệ đó thành một sản phẩm mới”, ông Thức chia sẻ.
Dưới góc nhìn của vị lãnh đạo Ahamove về mặt công nghệ, ông Thức cho rằng trong tương lai sẽ xuất hiện xu hướng kết hợp giữa công nghệ do doanh nghiệp tự phát triển và công nghệ của các đơn vị SaaS (Software as a service - một dạng của điện toán đám mây) trong việc phát triển hệ thống, tạo ra sự đảm bảo hơn.
Ngoài ra, đối với những người làm công nghệ, xung đột trong quan điểm phát triển doanh nghiệp với lãnh đạo vẫn luôn hiện diện. Theo ông Thức, sự tự tin của CTO trong việc “đặt cược” vào một công nghệ nào đó có thể mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định trong việc thuyết phục lãnh đạo công ty.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/