|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao lợi nhuận Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR) về mức thấp nhất 14 quý?

13:30 | 31/10/2023
Chia sẻ
Tập đoàn Công nghiệp Cao su giải trình, giá bán các loại mủ cao su giảm so với cùng kỳ, trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh làm lợi nhuận gộp giảm. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh liên kết thua lỗ khiến kết quả lợi nhuận của tập đoàn giảm sút.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) đạt 6.195 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó nguồn thu từ sản xuất và kinh doanh mủ cao su đóng góp 78% vào doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mảng chế biến gỗ chiếm 9% doanh thu, mảng bất động sản cơ sở hạ tầng đóng góp 5%, còn lại là các mảng khác.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Trong kỳ, biên lãi gộp thu hẹp từ 27% cùng kỳ về 19,9% quý này. Doanh nghiệp giải trình, do tình hình kinh tế khó khăn làm giá bán các loại mủ cao su giảm so với cùng kỳ, trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh làm lợi nhuận gộp giảm. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh liên kết trong quý III bị lỗ gần 269 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 47 tỷ.

Cả quý, GVR lãi sau thuế 494 tỷ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) đạt 313 tỷ, lần lượt giảm 50% và 63% so với quý III/2022. Đây cũng là quý có lãi ròng thấp nhất kể từ quý I/2020.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 14.489 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.421 tỷ, giảm lần lượt 11% và 51% so với cùng kỳ. Với lợi nhuận sau thuế 1.954 tỷ, GVR đã thực hiện được 46% kế hoạch lợi nhuận và 53% mục tiêu doanh thu năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Hồi ĐHĐCĐ thường niên diễn ra giữa tháng 6, lãnh đạo GVR cho biết năm nay doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, giá bán mủ cao su (nguồn thu chính của công ty) liên tục suy giảm và khó tiêu thụ.

Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong GVR. Tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn.

Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương,…liên tục tăng. Chính vì vậy, GVR dự báo nhu cầu, giá bán chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Ngược lại, theo Tổng Giám đốc Lê Thanh Hưng, mảng khu công nghiệp sẽ có được những khởi sắc, đón nhận những thông tin tích cực trong năm nay.

Nắm giữ hơn 16.300 tỷ đồng tiền nhàn rỗi

Cuối quý III, tổng tài sản của GVR đạt gần 77.797 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Trong đó khoản mục chiếm trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 11.000 tỷ đồng, chủ yếu là vườn cây cao su.

Hàng tồn kho cuối kỳ đạt 3.672 tỷ đồng, giảm 11% sau 9 tháng và đã trích lập 32 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho. So với cuối quý II, khoản mục này mất 5%.

Các khoản phải thu ngắn hạn (đa số là phải thu từ khách hàng và phảu thu ngắn hạn khác) trên 2.836 tỷ đồng, tăng 8% sau ba tháng. Công ty cũng trích lập 229 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.

Cuối quý III, tiền và tiền gửi ngân hàng trên 16.304 tỷ đồng, tăng 5% sau ba quý. Dư nợ vay tài chính ở mức 6.223 tỷ. 9 tháng đầu năm, GVR đi vay 3.140 tỷ đồng và trả 4.329 tỷ nợ gốc, chi phí lãi vay trong 3 quý là 328 tỷ.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 55.290 tỷ, gấp gần 2,5 lần nợ phải trả, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6.109 tỷ.

Minh Hằng

Điểm tên nhóm cổ phiếu có khả năng hút tiền tháng 6
Tại hội thảo "Bắt mạch dòng tiền" ngày 30/5, các chuyên gia đã đánh giá bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại, nêu góc nhìn đầu tư và kể tên các nhóm ngành dự kiến thu hút dòng tiền trong thời gian tới.