Vì sao đoạn đường 'dát vàng' sắp triển khai lại đắt nhất Hà Nội?
Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN). |
Dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục dài 2,2km, tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng hiện mới đang dừng lại ở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lấy ý kiến của 5 Bộ, ngành. Theo kế hoạch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ ký trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 10/7 tới và phấn đấu trong tháng Bảy sẽ thông qua. Theo tính toán, trung bình 1 mét đường Hoàng Cầu-Voi Phục sẽ có chi phí lên tới 3,5 tỷ đồng. Chi phí xây dựng con đường này sẽ phá vỡ kỷ lục 2 con đường đắt nhất thủ đô trước đó là đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ-Giảng Võ dài 697m, rộng 50m, có tổng mức đầu tư 1.767 tỉ đồng (trung bình hơn 2,5 tỷ đồng mỗi mét) và đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái) dài 570m, rộng 50m với tổng mức đầu tư 1.139 tỷ đồng (gần 2 tỷ đồng/m). Lý giải cho chi phí đắt đỏ để đầu tư dự án này, lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội chỉ ra nguyên nhân, 80% tổng số vốn đầu tư cho công trình này là kinh phí để giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân. Cụ thể, khoảng 1.100 tỷ đồng chi phí xây lắp và thiết bị, hơn 6.400 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ngoài ra còn chi phí tư vấn, chi phí quản lý và chi phí dự phòng của dự án (tổng mức đầu tư này đã được cập nhật theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định thành phố ngày 1/3/2017). Dự kiến, để thi công công trình sẽ phải giải phóng mặt bằng 2.044 hộ dân (quận Ba Đình 1.241 hộ, quận Đống Đa 803 hộ) với nhu cầu tái định cư là 2.239 căn hộ ở khu Nam Trung Yên, khu Tây Nam Kim Giang 1. Do đây là dự án vành đai 1, thuộc 2 quận trung tâm Đống Đa và Ba Đình nên giá đất bồi thường cao, số hộ phải giải phóng mặt bằng lớn nên số vốn đầu tư chiếm phần lớn chi phí là giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Được biết, dự án đường vành đai 1 từ Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái nối với vành đai 2 đoạn Cầu Giấy- Bưởi được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 1999. Tuy nhiên, do việc thu xếp vốn khó khăn nên phải làm từng đoạn. Và, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục là đoạn cuối của dự án đường vành đai 1. Dự án có điểm đầu tại nút giao Hoàng Cầu-Yên Lãng phường Cát Linh, quận Đống Đa, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục, khu vực cổng trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Dự án sẽ xây dựng 2 cầu vượt trực thông tại nút giao Giảng Võ- Láng Hạ và nút giao Nguyễn Chí Thanh- Đê La Thành. Dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục sẽ đi song song với đường La Thành hiện nay về phía Nam, tuy nhiên, đoạn từ nút giao Giảng Võ-Láng Hạ đến nút giao Nguyễn Chí Thanh- Đê La Thành sẽ đi trùng với đường Đê La Thành hiện tại, phần lớn diện tích mở đường sẽ được lấy về phía Nam. Ngoài ra, phần mở rộng về phía Bắc dự án thuộc khu đất xen kẹt giữa dự án và đường La Thành đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích hơn 6.000m2 sẽ được xây dựng bãi đỗ xe và hệ thống cây xanh. Đối với 2 cầu vượt trực thông trên tuyến đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận về quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Trước mắt, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng 2 cầu vượt trực thông tại 2 nút giao này trước nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Toàn cảnh dự án đường 'đắt nhất hành tinh' sắp được triển khai tại Hà Nội
Dự án Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2,2 km sẽ phải mất gần 7.800 tỷ đồng để xây dựng sẽ trở thành ... |
Hà Nội: Gần 7.800 tỷ đồng làm 2,2 km đường Hoàng Cầu - Voi Phục
Tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục) của thành phố Hà Nội có chiều dài 2,2km nếu được xây dựng sẽ ... |