Vì sao cổ phiếu GTNfoods 'lao dốc'?
GTNfoods nâng sở hữu Vilico lên hơn 73,7% | |
Cổ đông lớn nhất của GTN lại đăng ký mua thêm gần 4 triệu cổ phiếu |
Tuy nhiên, những ngày đầu năm mới 2018, cổ phiếu GTN của GTNfoods liên tục giảm mạnh, trong đó có 2 phiên giảm sàn. Vậy lí do gì khiến cổ phiếu của một doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng ấn tượng như GTNfoods liên tục giảm sâu?
Cổ phiếu GTNfoods chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư trong nước |
Có thể thấy rằng, lý do khiến cổ phiếu GTN giảm mạnh những ngày gần đây đến từ thông tin Tổng Giám đốc GTNfoods, ông Michael Louis Rosen đăng ký bán 3,5 triệu cổ phiếu GTN trong tổng số 7,15 triệu cổ phiếu GTN mà ông này đang nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,86% xuống còn 1,46%.
Bằng chứng, ngay sau thời điểm ông Michael Louis Rosen công bố thông tin đăng ký bán cổ phiếu GTN ngày 8/2, GTN có 7 phiên giảm giá liên tục, trong đó có 1 phiên giảm sàn và nhiều phiên giảm từ 3,9 - 5%.
Trước đó, cổ phiếu GTN cũng có 1 phiên giảm sàn ngày 6/2 từ giá 14.600 đồng/CP xuống còn 13.600 đồng/CP. Còn tính từ ngày 1/2 - 22/2, cổ phiếu GTN giảm một mạch từ mức 15.000 đồng/CP xuống mức giá 10.950 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Một lý do quan trọng khác khiến kết quả doanh thu của GTNfoods rất ấn tượng, nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà đến từ kết quả kinh doanh quý IV/2017. Riêng quý IV vừa qua, doanh thu của GTNfoods đạt hơn 823 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ nhưng bị lỗ hơn 2,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 7,9 tỷ đồng.
Doanh thu của GTNfoods tăng tốt do Mộc Châu Milk vẫn phát huy sức tăng trưởng cao của mình sau khi tái cơ cấu. Quý IV 2017, trong đà giảm sâu của thị trường lợn, GTNfoods ghi nhận khoản lỗ gần 20 tỷ từ hoạt động này do đã chủ động đẩy mạnh thanh lý, cắt giảm quy mô đàn nái từ hơn 4.000 con về 1.200 con tính đến hết năm 2017.
Được biết, trong chiến lược kinh doanh của GTNfoods, chăn nuôi lợn giờ không phải là mảng kinh doanh chủ đạo, GTNfoods chỉ xây dựng 3 nhóm mặt hàng làm chủ đạo gồm: Sữa (Mộc Châu Milk), trà (Vinatea) và vang (Vang Đà Lạt).
Cũng trong quý IV/2017, GTNfoods đẩy mạnh việc thoái vốn tại các mảng kinh doanh không cốt lõi và thanh toán chi phí cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã chủ động trích lập dự phòng cho các mảng kinh doanh không cốt lõi cũng như các lô hàng tồn kho trong giai đoạn trước cổ phần hóa nhằm tránh ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm 2018.
Dù quý IV thua lỗ nhưng tính chung cả năm 2017 GTNfoods vẫn lãi sau thuế 132,48 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần lợi nhuận đạt được năm 2016. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ hơn 118 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017 tổng cộng tài sản tăng mạnh 1.240 tỷ đồng, lên mức 4.740 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của GTNfoods, riêng mảng sữa đã đóng góp hơn 2.466 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng doanh thu. Mảng này cũng mang lại gần 450,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho công ty. Doanh thu từ các sản phẩm chè đạt gần 496 tỷ đồng, đóng góp hơn 13% tổng doanh thu và cũng mang lại hơn 22 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Các sản phẩm nông sản mang lại hơn 450 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ đưa về hơn 1,1 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Đầu tư mạnh vào Mộc Châu Milk là một trong những chiến lược trọng tâm của GTNfoods trong năm vừa qua cũng như thời gian tới. Không chỉ dừng ở mức đầu tư hiện tại, GTNfoods dự kiến sẽ rót thêm tiền nâng tổng quy mô đàn bò của Mộc Châu Milk trong mấy năm tới lên 100.000 con từ ngưỡng 23.000 con hiện tại. Hiện GTNfoods đã nâng sở hữu tại Vilico từ mức 65% lên xấp xỉ 75%, trong đó sỡ hữu trên 50% tại Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).
GTNfoods tiền thân là Cty CP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất, năm 2015 - 2017 GTN tiến hành thâu tóm thành công hai doanh nghiệp lớn của ngành nông nghiệp là TCty Chè Việt Nam - Vinatea và TCty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico lần lượt là 95% và 73,72% vốn chủ sở hữu, Thống Nhất đổi tên thành GTNfoods và dồn toàn lực vào phát triển ba mảng mũi nhọn là sữa, chè và rượu vang Đà Lạt.
Mất vài năm tái cơ cấu và xác định được lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn là sữa, chè và rượu vang, tuy nhiên GTN hiện tại mới đang trong quá trình kiện toàn tổ chức, quy trình và bộ máy, ngoài Mộc Châu Milk, các sản phẩm chủ lực khác của GTN chưa thực sự tìm được chỗ đứng vững chắc và thị phần đủ lớn trên thị trường trong và ngoài nước nên lợi nhuận của GTN chưa thực sự ấn tượng mặc dù doanh thu tăng mạnh. Bên cạnh đó, khâu thương mại, quảng cáo, tiếp thị và maketing của GTNfoods vẫn còn yếu và còn khoảng cách khá xa so với những doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực.
Do đặc thù của ngành nông nghiệp cần thời gian khá dài và ẩn chứa nhiều rủi ro do về thị trường, dịch bệnh, trong khi đó năm 2016 - 2017, các lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán lại tăng trưởng rất ấn tượng nên cổ phiếu GTN chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, theo dự báo của một số công ty chứng khoán, rất có thể trong quý II/2018 này Quỹ ETF FTSE Vietnam sẽ loại cổ phiếu GTN khỏi danh mục để thêm vào cổ phiếu VRE của Vingroup cũng là nguyên nhân khiến GTN giảm mạnh thời gian gần đây. |