|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao các tiệm Gong Cha tại Singapore đổi tên thành LiHo?

08:29 | 01/06/2017
Chia sẻ
Một bài học đáng tham khảo về mối quan hệ giữa thương hiệu nhượng quyền và người nhận nhượng quyền.

Ông Rodney Tang, người đã mang thương hiệu trà sữa Gong Cha của Đài Loan đến Singapore, hiện đang thực hiện bước đi đầy táo bạo là thay thế cái tên Gong Cha bằng thương hiệu riêng của mình là LiHo.

Cho tới nay, đã có hơn 30 cửa hàng Gong Cha tại Singapore được đổi sang tên LiHo. Theo dự kiến, tới ngày 5/6, tất cả 80 cửa hàng Gong Cha tại đảo quốc sư tử sẽ được thay thế bằng thương hiệu LiHo (theo tiếng Phúc Kiến là "bạn có khỏe không?").

Tang đã suy nghĩ rất kỹ khi thực hiện việc này. Khi lần đầu tiên ra mắt Gong Cha tại Singapore vào năm 2009, ông không nghĩ rằng nó sẽ giành được thành công lớn. Nhưng ngày nay, chuỗi cửa hàng trà sữa này kiếm được doanh thu hàng năm 30 triệu SGD (đôla Singapore) tại đảo quốc Singapore, và là thương hiệu lớn nhất mà công ty RTG Holdings của Tang quản lý.

Các thương hiệu khác mà RTG Holdings đang quản lý bao gồm Nene Chicken, Bornga và Paik's Coffee.

Trên thực tế, việc đóng cửa Gong Cha và ra mắt LiHo thể hiện sự thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh của RTG, từ việc nhận nhượng quyền và quản lý thương hiệu tới việc sáng tạo và sở hữu thương hiệu riêng của mình.

Ông Tang thậm chí không nghĩ tới việc thực hiện một thay đổi lớn như vậy cho đến gần đây, sau khi ông phát hiện ra chính công ty mẹ của Gong Cha ở Đài Loan cũng đã thực hiện một thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh.

vi sao cac tiem gong cha tai singapore doi ten thanh liho
Doanh nhân Rodney Tang, chủ thương hiệu LiHo. Ảnh: Straits Times

Tang cho biết: "Hợp đồng nhận nhượng quyền Gong Cha ở Singapore đã hết hạn vào ngày 31/12 năm ngoái, và họ đề nghị gia hạn. Chúng tôi rất hài lòng và đã đồng ý, tôi không thấy lý do gì để không gia hạn. Nhưng do bận rộn, tôi đã trì hoãn lại việc đọc và đặt bút ký vào thỏa thuận này. Dù sao, chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm và tôi tin tưởng họ."

Khi Tang sẵn sàng ký thỏa thuận này vào tháng 1, ông đã quyết định đi gặp các đối tác kinh doanh ở Đài Loan để nói về tương lai của Gong Cha.

Đó là lúc ông phát hiện ra rằng họ đã bán toàn bộ công ty mẹ Royal Tea Taiwan cho Gong Cha Korea, vốn thuộc sở hữu bởi quỹ đầu tư vốn tư nhân Unison Capital của Nhật Bản.

Ông Tang nói: "Như vậy, những người bạn của tôi không còn nắm quyền tại công ty nữa và thậm chí họ còn không buồn thông báo cho tôi một cách chính thức. Tôi cảm thấy bị phản bội".

Sau đó, Tang đã xem xét kỹ lưỡng các điều khoản của hợp đồng mới và thấy rằng chúng có nhiều hạn chế hơn, và có những điều khoản có thể ảnh hưởng đến khả năng quản lý hiệu quả các thương hiệu khác của RTG.

Trong vài tháng sau đó, Tang đã cố gắng đàm phán lại các điều khoản. Nhưng dần dà, ý tưởng về việc sở hữu và xây dựng một thương hiệu mới đã bắt đầu nảy sinh trong tâm trí của Tang và trở nên quá hấp dẫn để ông có thể bỏ qua.

Kể từ đó, RTG đã cố gắng hết sức để xây dựng thương hiệu LiHo từ số 0.

Điều này có nghĩa là tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu mới, sử dụng phương pháp pha chế mới, trang trí lại tất cả cửa hàng và thiết kế logo, bao bì và thực đơn hoàn toàn mới.

Toàn bộ quá trình này làm RTG tiêu tốn khoảng 1 triệu SGD. Đó là một quá trình đầy thử thách, ông Tang cho biết. "Trà thì kiểu gì cũng là trà – chúng tôi khó có thể tạo ra khác biệt. Nhưng chúng tôi đang giới thiệu các thức uống mới như trà phô mai và sinh tố."

Theo Tang, những ai đã ưa thích Gong Cha sẽ thấy rằng các loại trà của LiHo có chất lượng tương đương nếu không muốn nói là tốt hơn, vì RTG đã học được rất nhiều về cách tạo ra một ly trà ngon trong những năm qua.

Một điều khác mà ông Tang đã học được là đừng giới hạn tham vọng của mình.

Ngay cả khi ông đang trong giai đoạn triển khai 80 cửa hàng LiHo trong vòng hai tháng, Tang đã đặt tầm nhìn phát triển nó thành thương hiệu toàn cầu.

Ông nói: "Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra một thương hiệu có thể mở rộng sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, thậm chí cả Mỹ và Canada. Chúng tôi phải tăng cường độ nhận diện thương hiệu của mình trước tiên, và chờ đợi điều kiện thị trường thuận lợi hơn".

Ông Tang thừa nhận rằng ban đầu các nhân viên của ông ban đầu không thoải mái về chiến lược mới của công ty, nhưng hiện họ đã đồng lòng và tất cả đang "chiến đấu" cùng với ông.

Tang cũng đã có những chia sẻ thật lòng về bước đi lớn này: "Tất nhiên, tôi đã có những nỗi sợ hãi, nhưng chúng tôi không thể nghĩ đến thất bại. Đây là thời điểm để chứng tỏ kỹ năng lãnh đạo của tôi và hy vọng là tôi có thể dẫn dắt công ty đi đúng hướng".

"Và ít nhất thì đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi rất phấn khích vì có một mục tiêu để hướng tới. Tôi tin rằng chúng tôi có cơ hội thành công trong lĩnh vực này."

Mạnh Đức