|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì đâu giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm nhưng giá trong nước vẫn ‘đi thang bộ’?

12:33 | 11/04/2023
Chia sẻ
Giá đường thế giới tăng do một số nơi sản xuất đường khi cập nhật tình hình thực tế nhận thấy sản lượng thấp hơn so với dự báo. Khi có dấu hiệu nguồn cung giảm cộng thêm những bất ổn về chính trị khiến các quỹ đầu cơ tăng cường mua khống. Tuy nhiên, giá đường trong nước vẫn tăng chậm do tác động của đường nhập khẩu.

Giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm, giá đường trong nước tăng nhẹ

Giá đường thế giới thời gian qua tăng mạnh, vượt đỉnh 10 năm trước những lo ngại về nguồn cung có thể thấp hơn so với những dự báo được đưa ra trước đó. Theo đó, tính đến ngày 10/4, giá đường giao trong tháng 5/2023 đạt mức 23,6 US Cent/pound, tăng 24% so với đầu năm nay. 

 

 Số liệu: Investing (Tổng hợp: H.Mĩ)

 

 

Giá đường trong nước cũng được cải thiện, tuy nhiên mức tăng không quá nhiều. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường kính trắng trung bình khoảng 18.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với mức giá 17.700 đồng/kg của cùng kỳ năm ngoái. Giá đường tinh luyện tăng khoảng 4,3% lên 19.500 đồng/kg. 

 

 Số liệu: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

 

   Số liệu: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

 

Lý giải cho đà tăng này, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA cho biết giá đường thế giới tăng do một số nơi sản xuất đường khi cập nhật tình hình thực tế nhận thấy sản lượng thấp hơn so với dự báo. So với nhu cầu thế giới, sau khi đánh giá lại thì vẫn thừa cung nhưng mức độ dư thừa thấp hơn nhiều so với dự báo trước đây. 

Khi có dấu hiệu nguồn cung giảm cộng thêm những bất ổn về chính trị khiến các quỹ đầu cơ tăng cường mua khống.

Theo trang Barchart, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ cho biết nước này đang cân nhắc việc không cho phép xuất khẩu  thêm đường trong năm nay do sản lượng thấp hơn dự kiến.

 

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) báo cáo sản lượng đường từ tháng 10/2022 đến tháng 3 giảm 3,3% so với cùng kỳ xuống gần 30 triệu tấn. Tính chung cả niên vụ, sản lượng đường của nước này ước tính 34 triệu tấn, thấp hơn con số 36,5 triệu tấn mà ISMA dự báo vào cuối năm ngoái.

Đồng thời ISMA dự báo lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ trong niên vụ 2022 - 2023 quanh mức 6,1 triệu trấn, giảm so với mức 9 triệu tấn đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.

S&P Global Commodity Insights cũng đã cắt giảm ước tính thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống 600.000 tấn từ ước tính 5 triệu tấn trong tháng 11/2022 do sản lượng đường toàn cầu yếu hơn dự kiến.

Trong khi đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cắt giảm ước tính thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống 4,15 triệu tấn từ 6,19 triệu tấn. 

 

 

Ngoài ra, thị trường đang có liên quan mật thiết đến thị trừng dầu thô. Thời gian qua, việc giá dầu tăng khiến Brazil, quốc gia sản xuất nhiều đường nhất thế giới, đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu ethanol sản xuất từ mía. 

Chính phủ Brazil đã thiết lập một tỷ lệ cố định cho thuế đối với xăng và ethanol khan, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ethanol và có thể thúc đẩy các nhà máy đường của Brazil sản xuất nhiều ethanol từ mía với chi phí ngang bằng với sản xuất đường. 

Còn với đường trong nước, bắt đầu từ nửa sau tháng 3, nhờ sự tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng đối với hoạt động buôn lậu kèm theo giá đường Thái Lan cũng tăng theo giá đường quốc tế giúp đường sản xuất từ mía trong nước tiêu thụ được từ đó, giá đường cũng được đẩy lên. 

Trong ngắn hạn ông Lộc cho rằng nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022 -2023 dẫn đến nguồn cung vẫn dồi dào. Trong khi đó, sức cầu đường chỉ mới bắt đầu tăng do bắt đầu mùa nóng nắng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung. 

Tuy nhiên, do giá đường quốc tế tăng, giá đường trong nước có thể sẽ tăng thêm một chút nếu kiểm soát được hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu. Tuy nhiên, giá vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực như Indonesia, Philippines và Trung Quốc.

Về dài hạn, đại diện VSSA cho rằng đà tăng giá vừa qua chưa thể kết luận là ngành đường đang bước vào chu kỳ tăng mới sau nhiều năm lao dốc do cuộc khủng hoảng dư cung. 

“Thời gian qua, có lúc giá đường tăng theo quy luật cung - cầu nhưng cũng có lúc lại là do yếu tố đầu cơ như tôi vừa phân tích. Do đó, đợt tăng vừa qua không hẳn là do yếu tố cơ bản, thị trường vẫn còn dư cung”, ông Lộc nói. 

Thị trường vẫn bị chi phối bởi đường lậu 

Đường nhập khẩu nói chung dù theo đường chính ngạch hay gian lận thương mại vẫn được xem là vấn đề lớn của ngành mía đường trong suốt nhiều năm qua và cũng là nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng giá bán của các nhà máy. 

Theo ông Lộc giai đoạn từ giữa tháng 3 trở về trước đường nhập khẩu và đường lậu làm “bá chủ” đối với thị trường nội địa. 

Có thời điểm trong quý I, nhiều nhà máy đường không bán được hàng vì nhu cầu thấp, sức ép từ đường lậu lớn. Trong khi giai đoạn này là cao điểm của vụ ép mía dẫn đến hàng tồn kho lớn, nhiều nhà máy không còn chỗ chứa trong kho và phải chất đường ra ngoài. 

“Thị trường hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi đường nhập khẩu thuộc hạn ngạch 2022 bổ sung, đường lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ Indonesia và đường nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan”, ông Lộc cho biết. 

Hồi cuối năm 2022, Bộ Công Thương tổ chức phiên đấu giá phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung của niên vụ 2021 - 2022. Theo đó, 5 doanh nghiệp được phân giao nhập khẩu 100.000 tấn đường thô và 2 doanh nghiệp nhập khẩu 25.000 tấn đường tinh luyện. 

Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu thêm đường xuất phát từ từ sản lượng của niên vụ 2021 - 2022 ước tính 750.000 chỉ tăng 8,3% so với niên vụ trước đó. Kể cả khi cộng thêm 113.000 tấn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đã được phân giao hồi tháng 9/2022, lượng đường tồn kho từ niên vụ trước và một lượng đường nhất định vẫn được nhập khẩu từ ASEAN không thuộc đối tượng lẩn tránh, tổng cung vẫn thiếu hụt khá lớn so với tổng cầu. 

“Về dài hạn, ngành mía đường có thể tăng diện tích trồng mía và công suất chế biến để dần đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, ta vẫn cần xem xét một số phương án để bù đắp lượng thiếu hụt này”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Lộc, Bộ Công Thương vẫn chưa tính đến thực tế đường nhập lậu vẫn đang tràn vào thị trường khá nhiều, với giá bán rẻ. 

Lợi nhuận doanh nghiệp phân hoá

“Sản lượng mía thấp nhưng thị trường không có dấu hiệu hụt cung do đường lậu. Chi phí sản xuất đường từ mía khoảng 18.000 đồng/kg, như vậy, với giá bán hiện tại gần như hoà vốn, thậm chí có công ty lỗ. Trong khi giá đường lậu bán 17.000 đồng/kg thấp hơn cả giá thành sản xuất, nhà máy không thể tiêu thụ được hàng”, ông Lộc nói.

Nhìn sang quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành đường, mặc dù doanh thu trong quý II của niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 1/7/2022 - 30/6/2023) nhìn chung tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận có sự phân hoá rõ rệt.

Số liệu: BCTC của các công ty (H.Mĩ tổng hợp. Lưu ý: *Chu kỳ BCTC của CTCP Đường Quảng Ngãi là 1/1 đến 31/12. Do đó, số liệu của Đường Quảng Ngãi tại bảng trên là quý IV/2022)

Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 (từ 1/10 - 31/12/2022) của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - Mã: SBT) cho thấy doanh thu thuần đạt gần 6.972 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu từ bán đường chiếm gần 93%, kế tiếp là doanh thu bán điện, mật đường, phân bón. 

Tuy nhiên, trong kỳ tốc độ tăng giá vốn là 47%, nhanh hơn doanh thu lên 6.385 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,4% quý cùng kỳ còn 8,4%. 

Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp hơn 2 lần lên 414 tỷ đồng, chủ yếu là lãi. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm 30% xuống 297 tỷ đồng. 

Sau khi trừ các chi phí, Thành Thành Công - Biên Hoà lãi sau thuế 122 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 6 tháng của niên độ, doanh thu thuần của công ty đạt 12.280 tỷ, tăng 32% so với cùng kỳ niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 384 tỷ, giảm 13%.

Lượng tiêu thụ đường đạt 683 nghìn tấn. Tiêu thụ của các kênh bán hàng ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, trong đó, kênh xuất khẩu tăng trưởng hơn 70%, kênh công nghiệp B2B tăng 26%.

So với kế hoạch doanh thu năm là 17.017 tỷ đồng và 850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Thành Thành Công - Biên Hoà đã thực hiện được lần lượt 72% chỉ tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

Công ty cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục tái cấu trúc nguồn vốn, tăng tài sản, giảm nợ  và chú trọng kế hoạch huy động 20% vốn phần từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Số liệu: BCTC của các công ty (H.Mĩ tổng hợp. Lưu ý: *Chu kỳ BCTC của CTCP Đường Quảng Ngãi là 1/1 đến 31/12. Do đó, số liệu của Đường Quảng Ngãi tại bảng trên là quý IV/2022)

Một trường hợp khác cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sút trong kỳ là CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS). Doanh thu của công ty giảm 31% xuống 395 tỷ đồng, trong khi biên lợi nhuận gộp trong kỳ là 7% giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Điều này làm lợi nhuận gộp giảm 47,3% so với cùng kỳ xuống 28 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 80% còn 1,2 tỷ đồng. 

Luỹ kế 6 tháng đầu niên vụ, công ty ghi nhận doanh thu giảm 35% xuống 8,8 tỷ đồng.

Hàng tồn kho tính đến ngày 31/12 là 784 tỷ đồng tăng 20% so với đầu kỳ, chủ yếu là thành phẩm, hàng hoá và hàng gửi bán. 

Ở thái cực còn lại, một số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng bằng lần như trường hợp của CTCP Mía đường Sơn La. Theo đó, trong quý II, doanh thu thuần của công ty tăng gấp đôi lên 373 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với nhiều doanh nghiệp trong ngành là 30%, tăng 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Mặt khác, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. 

Doanh thu tài chính 3,5 tỷ đồng, gần đủ để trả cho chi phí tài chính là 4,8 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp lãi 108 tỷ, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng tồn kho cuối kỳ giảm 63% so với đầu kỳ còn 176 tỷ đồng.

 

H.Mĩ