Venezuela vỡ nợ, số phận các dự án đầu tư của PVN và Điện Quang sẽ ra sao?
Lỡ hạn trả lãi vay trị giá 200 triệu USD từ hai khoản trái phiếu chính phủ, Venezuela vừa bị hãng xếp hạng tín nhiệm S&P tuyên bố chính thức vỡ nợ với hai khoản trái phiếu này.
Trang CNN Money dẫn một bài báo từ Havard Law Roundtable cho biết, Venezuela hiện nợ các trái chủ số tiền lên đến 196 tỷ USD, chỉ riêng hãng dầu nhà nước PDVSA hiện nợ các trái chủ 60 tỷ USD. Hiện Venezuela chỉ còn 9,6 tỷ USD tiền dự trữ ngoại hối, mức thấp nhất trong 15 năm.
Cựu Tổng thống Chavez chết đột ngột do căn bệnh ung thư khi mới 58 tuổi, chính trị đảo lộn, giá dầu giảm mạnh, lạm phát phi mã của đồng nội tệ, tỷ giá ngoại tệ chênh lệch lớn,... đã khiến Venezuela rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Theo dự báo của IMF, lạm phát năm 2017 của Venezuela sẽ tăng lên mức 2.200%. Economist Intelligence Unit – một đơn vị thuộc The Economist cho rằng, kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 13,7% trong năm 2017. Mức độ suy thoái còn sâu sắc hơn cả Hy Lạp vào thời điểm khủng hoảng đỉnh cao về đồng euro.
Hiện 1 USD có giá hơn 55.200 bolivar Venezuela. Trong khi đó, theo trang theo trang dolartoday.com, đầu năm nay, 1 USD ngang giá 3.200 bolivar.
S&P nghĩ rằng có ít nhất 50% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ tiếp trong ba tháng tới.
Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại quốc gia Nam Mỹ này gặp nhiều khó khăn.
PVN và siêu liên doanh 1,8 tỷ USD vốn góp
Báo Thanh niên ngày 3/5/2017 đã có bài viết "PVN mất trắng cả chục ngàn tỷ đồng ở Venezuela" đề cập đến việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN) sa lầy trong dự án liên doanh 1,8 tỷ USD vốn góp để khai thác dầu lô Juin 2, vành đai dầu Orinoco dầu khí ở quốc gia Nam Mỹ này.
PVN thông qua Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) góp 40% vốn thành lập liên doanh Petromacareo cùng với Công ty Dầu khí Venezuela (CVP), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA), để triển khai dự án này.
Tháng 6/2010, tại thủ đô Caracas của Venezuela, “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” được chính thức ra mắt. Tổng mức đầu tư được loan báo lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm hai giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD.
Lô Junin 2 nằm ở vành đai dầu Orinoco, khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cho phép khai thác công suất 1.400 tỷ thùng.
Vốn được thu xếp cho giai đoạn đầu như sau: liên doanh vay 60% tương ứng 5,8 tỷ USD; 40% còn lại do các bên đóng góp tương ứng 3,1 tỷ USD. Phần vốn mà Việt Namphải đóng góp tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỷ USD.
Vụ hợp tác trên là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam tính đến nay. PVN đã rót 532 triệu USD vào liên doanh dầu khí tại Venezuela nhưng từ năm 2012 tới nay không thu thập được số liệu tài chính của liên doanh này. Công ty kiểm toán không thể xác định được PVN có khả năng thu hồi số tiền đã đầu tư hay không.
Kỹ sư của PVN tại dự án dầu ở Venezuela. Ảnh: PVN
Tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD, cho dù chưa thu được giọt dầu nào.
Tại cuộc họp báo cuối năm 2013, ông Phùng Đình Thực thời điểm đó là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đã thừa nhận “thất bại” bất đắc dĩ ở Venezuela.
Theo PVN, quyết định dừng dự án là do môi trường đầu tư của Venezuela biến động và lạm phát cao tại nước này.
Ngày 3/5/2017, Reuters đăng tải bản tin cho biết, Dự án dầu nặng PetroMacareo tại khu vực vành đai dầu Orinoco của Venezuela đang tạm dừng nhưng phía Việt Nam "hy vọng các cuộc đàm phán sẽ giúp dự án được tái khởi động hoạt động".
Reuters đã trích dẫn phát ngôn được cho là của ông Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) nói bên lề Hội nghị Công nghệ Ngoài khơi (OTC) 2017 tổ chức tại Houston, Hoa Kỳ: "Tại thời điểm này, chúng tôi đã dừng... Chúng tôi có thể sẽ khởi động lại".
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn, lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) khi đó khẳng định không có bất cứ phát ngôn nào liên quan tới các dự án đầu tư của PVEP nói chung cũng như dự án tại Venezuela nói riêng tại Hội nghị Công nghệ Ngoài khơi (OTC) 2017 tổ chức tại Houston, Hoa Kỳ.
Đại diện PVEP cho biết, dự án đầu tư tại Venezuela do các nguyên nhân khách quan đã tạm dừng và trong quá trình thẩm định lại.
Điện Quang đầu tư liên doanh sản xuất đèn tiết kiệm điện 300 triệu USD
Khu liên hợp sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện tại Venezuela do Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán: DQC) liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) đã chính thức đi vào hoạt động từ quí II/2012.
Đầu tư sang Venezuela chính là dự án có dấu ấn lớn trong thời gian chuyển tiếp từ cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa sang cho em trai là ông Hồ Quỳnh Hưng, bởi trước khi bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, dự án đầu tư sang Venezuela cũng đã được chuẩn bị và chính thức triển khai (giai đoạn 2010- 2017).
Năm 2005, bóng đèn Điện Quang chuyển thành công ty cổ phần, bà Thoa là Chủ tịch HĐQT cho đến năm 2010. Năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Tháng 8/2017, Thủ tướng đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Thoa.
Bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.
Sau cú sốc khoản đầu tư của Điện Quang sang Cuba (khiến cổ phiếu giảm tới cả chục lần do đối tác trả chậm trong 10 năm), Điện Quang sau đó đã xúc tiến dự án đầu tư vào Dự án Khu liên hợp sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện VietVen tại Venezuela với tổng đầu tư lên đến 300 triệu USD, trong đó, Điện Quang đóng góp 30%.
Công ty Điện Quang cũng cho biết, không chỉ là đối tác liên doanh mà còn là nhà thầu chính (thiết kế - mua hàng - xây dựng).
Theo Điện Quang, liên doanh sản xuất 74 triệu bóng đèn/năm tại khu công nghiệp Paraguana, bang Falcon (Venezuela) đi vào hoạt động năm 2012 nhưng tới nay, trong các báo cáo tài chính của Điện Quang thường xuyên thiếu vắng hoặc chỉ nhắc tới rất ít những thông tin về hiệu quả của dự án này.