|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Tác động lan toả của đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế chưa rõ ràng

10:27 | 08/05/2024
Chia sẻ
Mặc dù, đầu tư công và xuất khẩu đều có sự hồi phục mạnh mẽ song tác động lan toả của hoạt động đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế vẫn còn rất yếu.

Theo báo cáo vĩ mô tháng 5 từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 4 tháng đầu năm 2024 kinh tế vĩ mô vẫn trong tình thế rất khó khăn. Trong đó, hai yếu tố được kỳ vọng có thể hỗ trợ nền kinh tế là đầu tư công và xuất khẩu dù có sự tăng trưởng nhưng mức độ lan toả còn yếu.

Đầu tư công chững lại

VDSC đánh giá, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công và xuất khẩu chững lại do sự mờ dần của hiệu ứng mức nền thấp.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/04 đạt 115.906,9 tỷ đồng, tương đương 16,4% tổng kế hoạch. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao hơn so với cùng kỳ, dù vậy, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công đã thu hẹp đáng kể, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2024, thấp hơn mức tăng 22,7% trong quý I/2024.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư công 2023 - 2024. (Nguồn: VDSC).

Báo cáo chi tiết cho thấy việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chỉ tích cực ở một số Bộ, cơ quan Trung Ương và địa phương như Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 15.189,9 tỷ đồng, tương đương 25,6% vốn kế hoạch, Bộ Quốc Phòng giải ngân được 3.963,9 tỷ đồng, tương đương 20,4% vốn kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân được 2.809,4 tỷ đồng, tương đương 28,3% vốn kế hoạch.

Về địa phương, bên cạnh một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Long An giải ngân được 3.212,8 tỷ đồng, tương đương 38,3% vốn kế hoạch, Thanh Hoá giải ngân được 3.045 tỷ đồng, tương đương 25,8% vốn kế hoạch thì các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM tốc độ giải ngân vẫn rất chậm.

Tính đến 30/04, quy mô vốn đầu tư công tại Hà Nội và TP HCM lần lượt đạt 10.323,3 tỷ đồng, tương đương 12,7% vốn kế hoạch và 7.948,7 tỷ đồng, tương đương 10% vốn kế hoạch. Đồng thời, dự án Vành Đai 4 – Hà Nội và Vành đai 3 – TP HCM chỉ mới hoàn thành được 7,9% vốn kế hoạch đề ra và 3,3% kế hoạch tính đến 31/03/2024.

Hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2020 - nay. (Nguồn: VDSC).

Bên cạnh đó, tăng trưởng hoạt động xuất khẩu cũng suy giảm trong tháng 4/2024, đạt 10,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 13,0% trong tháng trước. Việc xuất khẩu tăng trưởng chậm lại cũng thể hiện qua mức giảm 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 123,6 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 16,8% trong quý I/2024.

Tác động lan toả còn yếu

Trong khi đó, kỳ vọng về tác động lan toả của hoạt động đầu tư công và xuất khẩu sang toàn bộ nền kinh tế hiện chưa có triển vọng rõ ràng. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2024 của Tổng cục Thống kê chỉ ra sự cải thiện nhẹ trong hoạt động sản xuất công nghiệp và chi tiêu của nền kinh tế.

Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2024 đạt 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,8% trong tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,9% trong quý I/2024.

Tương tự, chỉ số PMI ngành sản xuất cũng cải thiện từ mức 49,9 điểm trong tháng trước lên 50,3 điểm. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn số lượng đơn hàng xuất khẩu mới hàm ý nhu cầu trong nước tích cực hơn so với bên ngoài.

Tốc độ tăng của doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ thể hiện mức tăng tốt nhất theo tháng kể từ tháng 10/2023, tăng 2,0% so với tháng trước. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ổn định ở mức 9,0% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 8,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 8,2% trong quý I/2024. Mặc dù doanh số bán lẻ tăng trưởng trên con số danh nghĩa, mức tăng thực sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn tương đối yếu, chỉ đạt 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,3% trong 4 tháng đầu năm 2023.

Hạ An