|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Phần lớn DN ngành hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận năm 2024, dự báo thị trường khách quốc tế về mức trước dịch năm 2025

11:09 | 11/09/2023
Chia sẻ
Các hãng hàng không trong nước đang tăng cường tần suất và mở rộng thị trường bay quốc tế trong khi có ngày càng nhiều hãng hàng không nước ngoài khai thác trở lại thị trường Việt Nam. Đây sẽ là chất xúc tác cho ngành hàng không trong thời gian tới.

Lượng khách nội địa và quốc tế đều đã phục hồi, giúp các doanh nghiệp hàng không cải thiện được tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa: MH).

Theo báo cáo vừa cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng sự gia cải thiện nhanh chóng của thị trường quốc tế đã giúp hầu hết các doanh nghiệp trong ngành hàng không ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cao so với cùng kỳ.

Thị trường quốc tế hồi phục đã giúp tình hình kinh doanh các doanh nghiệp hàng không khởi sắc. (Nguồn: Tổng cục du lịch, Cục hàng không Việt Nam, Chứng khoán Rồng Việt).

Theo các chuyên gia, trong các tháng cuối năm nay, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ nhanh hơn nửa đầu năm 2023 nhờ hai yếu tố.

Thứ nhất, theo Cục hàng không Việt Nam (CAAV), các hãng hàng không Việt Nam sẽ mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Australia, Kazakstan trong khi nhiều hàng hàng không quốc tế sẽ tham gia khai thác trở lại, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các tháng 5, 6 đã đạt được gần 80% so cùng kỳ 2019. Điều này sẽ là chất chất xúc tác cho ngành hàng không trong thời gian tới.

Thứ hai, từ ngày 15/8, một số quy định mới về quản lý xuất nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực. Việc cấp thị thực điện tử được áp dụng cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ không quá 30 ngày thành không quá 90 ngày và có giá trị 1 lần hoặc nhiều lần. Ngoài ra, thời hạn tạm trú đối với công dân của 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày.

Còn thị trường hàng không trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2019, tuy nhiên mức độ tăng trưởng giảm dần vào các tháng cuối năm khi các hãng hàng không tập trung hơn cho thị trường quốc tế. 

 

Với triển vọng trên, VDSC dự báo nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận cho cả năm 2023 tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ chậm lại khi thị trường quốc tế đã có sự phục hồi tốt trong giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. 

Một số doanh nghiệp duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi cao đáng chú ý là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV), CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) và CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST).

Riêng đối với ACV, việc Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nguồn khách du lịch quốc tế lớn thứ hai đến Việt Nam trong quý II/2023 và con số vẫn đang cải thiện qua từng tháng, sẽ giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 11 triệu khách vào năm 2023, hỗ trợ sản lượng khách quốc tế của ACV đạt 32 triệu khách (tăng 165% so với cùng kỳ) và thúc đẩy lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) tăng 85% trong năm nay.

Tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024, dự kiến ở mức 20% so với năm 2023, khi hiệu ứng cơ sở thấp không còn nữa và tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, VDSC vẫn dự đoán EBIT của ACV sẽ tăng 42% nhờ khối lượng thị trường quốc tế đóng góp cao hơn, dẫn đến giá bán trung bình của phí dịch vụ hàng không và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Mặt khác, siêu dự án sân bay Quốc tế Long Thành sẽ giải quyết vấn đề dư thừa công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất về lâu dài, nhưng nó sẽ phát sinh chi phí vận hành rất lớn cho ACV khi đi vào hoạt động (năm 2026), làm giảm tốc độ tăng trưởng kép hàng năm về thu nhập ròng giai đoạn 2024 - 2027 đến 5%.

Ngoài ra, biến động lớn của tỷ giá JPY/VND gây ra nhiều sự thay đổi về lãi/lỗ tài chính hơn dự kiến, và lượng khách quốc tế tăng trưởng yếu hơn dự kiến do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ là rủi ro đối với ACV.

Trong khi đó, các nhóm doanh nghiệp logistics hàng không được dự báo là tiếp tục tăng trưởng âm hai chữ số trong 6 tháng cuối năm 2023 khi triển vọng thương mại vẫn chưa thể sớm tích cực.

Đối với CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS), sức mua yếu của người tiêu dùng ở Mỹ và EU - hai thị trường quan trọng nhất chiếm 2/3 lượng hàng xuất khẩu của SCS tiếp tục là trở ngại chính đối với lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trong nửa cuối năm 2023 trước khi tăng trở lại vào năm 2024. 

VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế nửa cuối 2023 của SCS sẽ giảm 11% so với cùng kỳ, dẫn đến kết quả cả năm sẽ giảm 20% và sau đó là lợi nhuận sau thuế năm 2024 phục hồi 11% nhờ triển vọng thương mại tốt hơn.

Đối với những năm sau, các chuyên gia kỳ vọng thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch vào năm 2025 và xu hướng này sẽ giúp phần lớn các doanh nghiệp trong ngành hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong năm 2024. 

Minh Hằng

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.