|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ trong năm 2024

13:55 | 05/09/2023
Chia sẻ
VDSC cho rằng nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ trong năm 2024 khi các dự án nhà ở tại các đô thị loại I (Hà Nội, TP HCM) đã bắt đầu nhận đặt cọc của khách hàng, điều này sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng từ cuối năm 2023 và tăng nhu cầu nguyên vật liệu, bao gồm thép xây dựng.

Trong báo cáo ngành thép mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết nhu cầu tiêu thụ thép năm 2023 chịu ảnh hưởng do thị trường bất động sản gặp khó khăn, trong đó thép xây dựng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy 7 tháng đầu năm nay, sản xuất và bán hàng thép xây dựng cùng đạt 5,9 triệu tấn, giảm lần lượt 24% và 22% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 936.000 tấn, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.

 (Nguồn: VSA)

VDSC cho rằng thị trường thép sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và có thể phục hồi mạnh vào năm 2024. Nửa cuối năm 2023, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép có cải thiện nhờ các yếu tố như nhu cầu của thị trường nước, giá nguyên vật liệu giảm mạnh và các doanh nghiệp đã hạ thấp số ngày tồn kho bình quân nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá nguyên vật liệu.

Đối với mảng thép xây dựng, VDSC cho biết thị trường bất động sản đang có những tín hiệu hồi phục vào cuối quý IV khi các dự án nhà ở tại các đô thị loại I (Hà Nội, TP HCM) đã bắt đầu nhận đặt cọc của khách hàng, điều đó sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng từ cuối năm 2023 và tăng nhu cầu nguyên vật liệu, bao gồm thép xây dựng.

“Nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ trong năm 2024 và công ty có lợi thế về chi phí như tập đoàn Hòa Phát (HPG) có thể ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về sản lượng và tiêu thụ mặt hàng này”, VDSC dự báo.

Cũng như mảng thép xây dựng, doanh thu thép cuộn cán nóng (HRC) và các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ, ống thép… cũng bị ảnh hưởng bởi sự khó khăn của thị trường, song mức tăng trưởng âm thấp hơn nhờ nhu cầu từ thị trường ASEAN và các nước châu Âu.

7 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng vẫn ghi nhận giảm 6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3,8 triệu tấn. Bán hàng HRC đạt 3,9 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt gần 2 triệu tấn, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2022.

(Nguồn: VDSC) 

VDSC cho rằng trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu sẽ hỗ trợ Hòa Phát khởi động lại các lò cao tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào quý III nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thép cuộn cán nóng cho thị trường châu Âu và Đông Nam Á.

Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 1,2 triệu tấn HRC, VDSC kỳ vọng công ty có thể sản xuất thêm 1,1 triệu tấn trong nửa cuối năm, tổng sản lượng cả năm dự kiến khoảng 2,3 triệu tấn với hiệu suất hoạt động 80%.

Từ đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp có thể hồi phục và ổn định từ quý II, khi nguyên vật liệu giá rẻ được đưa vào sử dụng và chính sách tồn kho hợp lý.

Bộ phận phân tích cho biết trong quý II, giá nguyên vật liệu giảm mạnh, giá than luyện cốc và quặng sắt giảm lần lượt 19% và 11%. Do đó, VDSC kỳ vọng giá nguyên vật liệu sẽ dao động trong biên độ hẹp quanh mức giá hiện tại do nhu cầu dự trữ thấp. Với chính sách giảm số ngày tồn kho để tránh biến động giá nguyên vật liệu, biên lợi nhuận gộp có thể được cải thiện lên 13,1% trong 2023 và 15,7% trong 2024.

Hoàng Anh

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.