VCCI cảnh báo nguy cơ 'phân chia địa bàn' trong xuất khẩu gạo
Kinh doanh xuất khẩu gạo |
Đây là một trong những ý kiến phản biện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Công Thương xung quanh việc Bộ này lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Về thị trường lúa gạo, đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam cho rằng: Quản lý Nhà nước đang muốn có sự tồn tại ổn định của các DN trên thị trường. Tuy nhiên, sự ổn định này làm tăng nguy cơ thỏa thuận ngầm “phân chia địa bàn” thu mua lúa gạo.
Do đó, VCCI đề nghị Bộ Công Thương cần phải hạ các điều kiện gia nhập thị trường cho DN, cá nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo để giúp nông dân có thêm lựa chọn khi bán gạo cho các doanh nghiệp, nâng cao vị thế của nông dân trong đàm phán giá bán, tránh bị ép giá
VCCI lập luận: "Khi có thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trên thế giới. Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẽ chủ động tìm kiếm thị trường mới, hoặc các phân khúc thị trường chưa được tiếp cận, làm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó tăng cơ hội để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo VCCI, khi điều hành an ninh lương thực, cơ quan Nhà nước cần nắm thông tin về địa điểm, quy mô kho chứa của doanh nghiệp, và bảo đảm kho đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu lưu trữ thóc gạo... là yêu cầu phù hợp. Tuy nhiên trong quy định làm sao cho tiết giảm chi phí tuân thủ một cách tối đa mà vẫn bảo đảm mục tiêu chính sách.
"Quy định yêu cầu phải có kho chuyên dùng được suy đoán là liên quan đến năng lực dự trữ gạo để đáp ứng an ninh lương thực. Tuy nhiên, quy định này không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực".
Quy định doanh nghiệp phải có cơ sở xay xát không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực. Giả sử trong trường hợp mất an ninh lương thực, việc huy động các máy xay xát để phục vụ xay xát thóc gạo là việc tương đối đơn giản.
VCCI đề nghị bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có cơ sở xay xát thóc gạo.
Dự thảo sử dụng cụm từ “có kho chuyên dùng”, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau: có quyền sở hữu chủ duy nhất; có quyền đồng sở hữu chủ và có quyền sử dụng … Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách là cơ quan Nhà nước nắm được thông tin về năng lực kho chứa của doanh nghiệp và kho đó được sử dụng để dự trữ thóc gạo.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng, thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho.