VASEP kiến nghị miễn thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản
Kiến nghị miễn thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có Công văn gửi Tổng cục Thủy sản kiến nghị về việc giảm thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản về 0% như Thái Lan và Philippines.
Trước đó, trong quý 1/2017, Hiệp hội cũng đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Bộ Công Thương về vấn đề này.
VASEP cho biết, Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cà ngừ lớn của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu sang trị trường này đã tăng từ 12,6 triệu USD lên gần 54 triệu USD từ năm 2006 đến năm 2012.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với Thái Lan và Philippines.
VASEP kiến nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Xuất khẩu cá ngừ vào Nhật Bản đang khởi sắc
Sau một thời gian dài ảm đạm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản có dấu hiệu khởi sắc, ,khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3 triệu USD trong hai tháng đầu năm, VASEP cho biết.
Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản đều tăng so với cùng kỳ năm 2016, với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 123%, cá ngừ tươi sống, khô và đông lạnh tăng 28%.
Xét chung toàn ngành cá ngừ, trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng 11%.
VASEP cho biết, hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 thị trường trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các kiến nghị khác của VASEP
Cũng trong Công văn này, VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản và Bộ NNPTNT có ý kiến với Bộ Công Thương để sớm thống nhất với Liên minh châu Âu về con số và cơ chế cấp hạn ngạch xuất khẩu cá ngừ vào thị trường này thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA (sắp có hiệu lực).