|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vàng và chứng khoán thế giới xanh sàn, dầu thô hụt hơi

06:58 | 30/08/2016
Chia sẻ
Phiên 29/8, trong khi giới đầu tư vàng tiếp tục dựa vào các đồn đoán về khả năng Mỹ tăng lãi suất để dồn vốn vào kim loại quý hay chứng khoán thế giới ghi nhận phiên tăng điểm nhờ báo cáo kinh tế tích thì USD lại đi ngang chờ báo cáo việc làm của Mỹ vào cuối tuần; giá dầu thô giảm 1% vì lo ngại nguồn cung dư thừa.
vang va chung khoan the gioi xanh san dau tho hut hoi

Trên thị trường kim loại quý, vàng, bạc, bạch kim và palladium đồng loạt tăng giá dứt khoát hơn so với phiên cuối tuần trước.

Cụ thể, giá vàng giao ngay chốt phiên 29/8 tăng 0,3% lên 1.324,41 USD/ounce sau khi đã giảm 1,5% trong cả tuần trước. Trong phiên, giá vàng giao ngay có lúc chạm đáy 5 tuần khi giới đầu tư đánh giá lại khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Theo công cụ khảo sát FedWatch, thị trường đang lạc quan hơn về chính sách lãi suất của Mỹ, cho rằng có hơn 30% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9/2016, cao hơn mức đánh giá 18% trước khi hai lãnh đạo của Fed phát biểu vào tuần trước.

Tuy nhiên, giá vàng giao tháng 12/2016 tại Mỹ lại chỉ tăng nhẹ 0,09% lên 1.327,10 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng 1,2% lên 18,82 USD/ounce, giá bạch kim – kim loại giảm mạnh nhất trên thị trường kim loại quý tuần trước - và palladium lần lượt tăng 1,1% và 1,5%.

"Thị trường kim loại quý vẫn đang chịu áp lực lớn từ những đồn đoán xung quanh chính sách lãi suất của Mỹ. Tuy nhiên, việc USD suy yếu gần đây lại là một tín hiệu xanh cho các hàng hóa này trong thời gian tới", Phó chủ tịch của Quỹ đầu tư kim loại Heraeus – ông Miguel Perez-Santalla nhận định.

Chốt phiên 29/8, USD tiếp tục cho thấy là tài sản đang mất dần sức hút đầu tư khi không thể bứt phá mạnh mẽ hơn. Nguyên nhân là, giới đầu tư tiền tệ hạn chế giao dịch lớn trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm vào cuối tuần này, với kỳ vọng rằng, số liệu tích cực sẽ thúc đẩy Fed sớm tăng lãi suất trong năm nay.

Trong rổ 6 đồng tiền đối thủ, USD chỉ tăng 0,09% so với yen ở 1.1,93 USD và gần như không đổi ở 1,1189 USD so với euro.

Trong khi thị trường tiền tệ dè dặt giao dịch thì giới đầu tư chứng khoán lại mạnh tay rót vốn vào các cổ phiếu, đẩy một vài chỉ số lớn lên đỉnh.

Tại Mỹ, cả ba chỉ số chứng khoán lớn, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt tăng 0,58%, 0,52% và 0,26%. Trong đó, S&P 500 đang ở gần mức cao kỷ lục từng đạt được hồi đầu tháng 8/2016. Báo cáo chi tiêu tiêu dùng tháng 7 của Mỹ là chất xúc tác trực tiếp khiến giới đầu tư tại Mỹ tự tin đổ vốn vào chứng khoán. Theo đó, chi tiêu tiêu dùng – đóng góp hơn 2/3 vào GDP- tại Mỹ ghi nhận 4 tháng tăng liên tiếp tính đến tháng 7/2016.

Tương tự tại Nhật Bản, các chỉ số chứng khoán lớn tăng ít nhất 2% với Nikkei tăng 2,3% lên cao nhất kể từ 17/8.Tuy nhiên xét chung khu vực châu Á thì MSCI châu Á Thái Bình Dương lại giảm 0,31%.

Tại châu Âu, phiên tăng điểm 0,31% của chỉ số FTSE (Anh) cũng không thể cứu chỉ số chứng khoán chung của khu vực, với Euro Stoxx 50 giảm 0,39%.

Trên thị trường hàng hóa mềm, giá dầu thô tiếp tục hụt hơi khi tăng giảm thất thường bởi lo ngại về nguồn cung dư thừa, triển vọng USD tăng giá khi Fed tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị ở Nigeria. Chốt phiên 29/8, giá dầu WTI giảm 1,4% xuống 46,98 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,3% xuống 49,26 USD/thùng. Trong tuần trước, giá dầu Brent và WTI đã lần lượt giảm 1,9% và 3%.

Kim Dung