|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VAMC muốn được tăng vốn gấp 5 lần

06:59 | 21/03/2017
Chia sẻ
Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) muốn tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng hiện nay lên 10.000 tỉ đồng vào năm 2020 để có đủ năng lực xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng.
vamc muon duoc tang von gap 5 lan
VAMC muốn tăng vốn để nâng cao lực xử lý nợ xấu . (Ảnh: Uyên Viễn).

Đây là một trong những đề xuất của VAMC gửi lên các cơ quan chức năng trong lộ trình nâng cao năng lực xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020.

Trong các phương án đề xuất để nâng cao năng lực tài chính, làm hậu thuẫn cho hoạt động mua nợ theo giá thị trường (hiện chưa thể thực hiện được) và tạo lập thị trường mua bán nợ, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro, công ty này muốn được tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường.

VAMC khi thành lập được cấp vốn điều lệ 500 tỉ đồng vào năm 2013, sau đó được Chính phủ bổ sung vốn điều lệ lên mức 2.000 tỉ đồng vào năm 2015.

Đồng thời với đề xuất trên, VAMC muốn phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ ra thị trường với trị giá khoảng 45.000 tỉ đồng để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xúc tiến việc vay vốn của các tổ chức trong nước và quốc tế cho hoạt động xử lý nợ của chính phủ bắt đầu từ năm 2018.

Nguồn vốn được đề nghị bổ sung cũng cần thiết cho việc quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh nợ của công ty. VAMC muốn lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường.

Những khoản dự phòng này (nếu có) sẽ để xử lý rủi ro trong các trường hợp: khi khoản nợ được VAMC bán với giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại VAMC tại thời điểm xử lý rủi ro, hoặc khách hàng vay là tổ chức đã giải thể, phá sản, khách hàng vay là cá nhân qua đời, mất tích.

VAMC vẫn tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của cơ quan quản lý. Dự kiến đến năm 2020, VAMC sẽ mua vào tổng nợ bằng trái phiếu đặc biệt giá trị khoảng 150.000 tỉ đồng dư nợ gốc (có tính đến việc mua nợ của một số ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và số dư nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 còn lại của các tổ chức tín dụng).

Công ty cho biết cũng đang đẩy mạnh việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường đối với các khoản nợ đang được tổ chức tín dụng hạch toán nội bảng, ngoại bảng và các khoản nợ VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Dự kiến đến năm 2020, VAMC thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với giá mua nợ khoảng từ 10.000 tỉ đồng đến 50.000 tỉ đồng tùy theo tiến độ được cấp vốn điều lệ.

Hồng Phúc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.