Ủy ban Kinh tế Quốc hội: 'Khả năng chỉ đạt tăng trưởng GDP 6,3 - 6,5%'
|
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa gửi tới các đại biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV "Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017".
Theo Ủy ban Kinh tế, bối cảnh làn sóng dân túy, điều chỉnh chính sách kinh tế của Mỹ và Trung Quốc biến động có thể ảnh hưởng đến đầu tư, thương mại, tỷ giá, lạm phát, nợ công... của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững. "Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 - 6,5%", Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ rõ.
Theo phân tích của báo cáo thẩm tra, tăng trưởng của quý I/2017 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do các nhóm công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng 5,1% thấp nhất kể từ năm 2015, ngành khai khoảng tăng trưởng âm. Tổng cầu của nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Để tháo gỡ các khó khăn, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng nên thực hiện các chính sách thảo gỡ nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô. "Không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững", Ủy ban Kinh tế chỉ ra trong báo cáo thẩm tra.
Tăng trưởng quý I/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.
Ủy ban này đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đưa ra lo ngại về tỷ lệ nhập siêu lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu không vượt 3,5% Quốc hội giao. "Vì vậy, thời gian từ nay đến cuối năm cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt", Ủy ban đưa ra góp ý với Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ thực trạng cơ cấu xuất khẩu đang phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Tính riêng năm 2016, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 46,3 tỷ USD, xuất khẩu 39,9 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.
Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI có chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ (chỉ khuyến khích ngành thép, xi măng...). Nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Chính phủ cần có giải pháp về sản xuất, tiêu thụ và xây dựng chiến lược xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, chăn nuôi để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới các hộ chăn nuôi, sản xuất trong nước như thời gian vừa qua.
Đặc biệt, Chính phủ cần quyết liệt cơ cấu nền kinh tế, trước mặt tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế so sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua. Cùng với đó, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017. Trong đó, lưu ý đến một số nguyên nhân đến từ sự tăng giá hàng hóa thế giới, áp lực tỷ giá và việc điều chỉnh giá dịch vụ công (điện, y tế, giáo dục) và tiền lương theo lộ trình.
Theo đó, Ủy ban khuyến nghị: "Chính sách tiền tệ cần tập trung điều hành theo hướng ổn định lạm phát cơ bản; điều hành tỷ giá ở mức hợp lý, dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát phù hợp với lộ trình tăng giá".