Ưu đãi đầu tư: 'Nước' đang… chảy chỗ trũng?
Theo Bộ Tài chính, đến năm 2016 tổng ưu đãi các sắc thuế và khoản thu về đất đai của VN dành cho các thành phần kinh tế lên tới trên 64.278 tỉ đồng, tương đương với gần 3 tỉ USD...
Samsung được hưởng 20.000 tỷ đồng trong số 35.300 tỉ đồng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp FDI |
Doanh nghiêp nội khó đạt tiêu chuẩn ưu đãi
Đơn cử như sắc thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi tới 46.829 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân 394,9 tỉ đồng, tiền thuê mặt đất, mặt nước 7.875 tỉ đồng, tiền sử dụng lên tới 3.802 tỉ đồng…
Mặc dù, việc ưu đãi thuế có mục tiêu góp phần thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp tăng tích lũy, mở rộng sản xuất. Nhưng Bộ Tài chính cho rằng, tác động của ưu đãi thuế với phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn Nhà nước khuyến khích còn hạn chế.
Đáng nói, khi nhìn vào cơ cấu đầu tư thì số dự án đầu tư vào các tỉnh vùng sâu vùng xa vẫn chỉ chiếm con số khiêm tốn chỉ 4% trên tổng số dự án đầu tư. Trong khi đó, vốn để đầu tư cho những lĩnh vực thế mạnh của VN là nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp… rất hạn chế, phần lớn vốn “đổ” vào các lĩnh vực có tỉ suất lợi nhuận cao như chế tạo, công nghệ thông tin, chế biến…
Khi bình luận về những con số và xu hướng đầu tư trên, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận trong câu chuyện ưu đãi đầu tư, đã có hiện tượng lợi dụng, lập nhiều dự án tại khu kinh tế được ưu đãi rồi chuyển thu nhập từ địa bàn không có ưu đãi về.
Một thông tin nữa khiến cho không ít người giật mình, đó là phần lớn các khu công nghiệp, khu công nghệ cao… đều có ưu đãi. Trong đó, có tới 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. 54/63 tỉnh thành được ưu đãi về địa bàn. Đáng nói, phần lớn các doanh nghiệp đủ chuẩn để vào các khu công nghiệp, khu chế xuất đều là các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp Việt, quy mô nhỏ, yếu về nguồn lực nên họ khó “vào” được.
Tính đến hết 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên 168 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ là trên 80 tỷ USD.
“Bên trọng, bên khinh”?
Bộ Tài chính nhận định, đang có sự bất công bằng giữa doanh nghiệp trong khu kinh tế được ưu đãi với doanh nghiệp cùng địa bàn nhưng nằm ngoài khu kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp nội nói rằng, họ đang cảm thấy “lép vế” hoàn toàn so với các doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Anh Kết, Tổng giám đốc Cty cổ phần Thanh Hà, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học nông nghiệp nói rằng, các doanh nghiệp Việt mỗi lần đầu tư hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, việc thuê mặt bằng rất khó khăn, thủ tục rườm rà. Nhưng với các doanh nghiệp FDI, việc này thường dễ dàng hơn. Còn nếu gặp khó khăn, các cơ quan đại diện của họ ở Việt Nam lên tiếng sẽ được địa phương ưu tiên hơn.
Quan điểm của ông Kết không phải không có lý, bởi thường thì một doanh nghiệp nhỏ và vừa phải mất nhiều tháng mới hoàn tất thủ tục hành chính thuê mặt bằng, vay vốn… Trong khi đó, với các doanh nghiệp FDI tiềm lực lớn thì họ còn được các địa phương hỗ trợ hết mức với những ưu đãi lớn như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật tư… Còn nếu lỗ được chuyển sang năm sau và số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Đây là những điều mà các doanh nghiệp nhỏ trong nước “mơ” cũng không được, và thậm chí còn là điều bất lợi vì với tiềm lực yếu, nên họ sẽ bị “out” và không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trong cùng một dự án kêu gọi đầu tư.
Để cân bằng lại các chính sách ưu đãi, Bộ Tài chính đã gửi kiến nghị lên Chính phủ với quản điểm, đã đến lúc cần nghiên cứu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả như: giảm thuế theo đầu tư, tức cho phép tính vào chi phí được trừ khi tính thuế cao hơn với khoản đầu tư mà Nhà nước khuyến khích như chi nghiên cứu phát triển, chi bảo vệ môi trường... Và để đảm bảo công bằng, minh bạch, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm đối tượng cần hỗ trợ qua chi ngân sách, thay vì thông qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Cần thay đổi điều kiện ưu đãi Mấu chốt của sự không công bằng nằm ở các điều kiện ưu đãi khi để hưởng các chính sách thuế. Thông thường chính sách thuế ưu đãi thường đi kèm với các tiêu chuẩn và các điều kiện để được hưởng ưu đãi. Chính phủ cần tính toán lại các điều kiện, tiêu chuẩn để làm sao để tất cả các doanh nghiệp cùng được hưởng ưu đãi chứ không nên đặt ra những tiêu chuẩn quá khó, những tiêu chuẩn mà chỉ các doanh nghiệp lớn mới đáp ứng được. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Cần kiểm soát thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng Trên thực tế, tôi đã nghe nhiều nhà bán lẻ VN thắc mắc doanh nghiệp FDI có địa thế, vị trí đất ở trung tâm đắc địa nhất sao các doanh nghiệp trong nước không có được. Có ưu đãi nhưng phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, cùng phát triển phải giám sát chặt chẽ để không dẫn đến mất kiểm soát, méo mó trong chính sách. Ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp FDI là rất cần thiết song trong bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam nên hướng thu hút đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... Nguồn nhân lực mới là vấn đề then chốt trong thu hút nước ngoài. Việc ưu đãi đầu tư FDI phải minh bạch rõ ràng, tránh gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn về vốn, lãi suất tín dụng và lạm phát. Huyền Trang - Nguyễn Việt ghi |
Thực hư chuyện 'Việt Nam thất thu 170 tỷ USD từ khối FDI chuyển giá'
170 tỷ USD là tổng số thất thu mỗi năm của các quốc gia đang phát triển (bao gồm cả Việt Nam), do các tổ ... |