Unilever từ chối lời hỏi mua trị giá 143 tỷ USD
Các sản phẩm của Kraft-Heinz trong siêu thị ở New York City. Ảnh: Reuters |
Với kỳ vọng thâu tóm nhà sản xuất trà Lipton và xà phòng Dove, tham vọng của Kraft Heinz là hình thành một đế chế về hàng tiêu dùng, không chỉ bó hẹp trong phân khúc thực phẩm, bánh kẹo như lâu nay.
Dữ liệu của Reuters cho biết nếu Kraft mua thành công Unilever, đó sẽ là vụ thâu tóm lớn thứ ba trong lịch sử và là vụ thâu tóm lớn nhất đối với một công ty của Anh. Không chỉ về mặt giá trị, xét về mặt thương hiệu, đó sẽ là sự kết hợp của những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới từ kem đánh răng đến kem que, là sự kết hợp sức mạnh xuyên châu lục với Kraft ở Mỹ và Unilever ở châu Âu và châu Á.
Đây là một thương vụ thâu tóm ngược vì Kraft nhỏ hơn Unilever với giá trị thị trường ở mức 106 tỷ USD tính đến thứ 5 vừa rồi. 50,9% công ty này thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett và công ty đầu tư 3G.
Ngành thực phẩm toàn cầu đang trải qua thời kỳ tăng trưởng giảm do nhiều thương hiệu mới xuất hiện làm tăng sức cạnh tranh, cộng thêm tình trạng suy giảm từ các nước đã phát triển, còn người tiêu dùng thì ngày càng ý thức cao về sức khỏe.
Theo nguồn tin thân cận của Reuters, Kraft tiếp cận Unilever từ hôm đầu tuần. Tuy vậy, Unilever từ chối, cho rằng không có lý do gì để bàn thảo về một hợp đồng không có giá trị về mặt chiến lược hay tài chính.
Dù lời đề nghị bị từ chối, cả cổ phiếu của Unilever và Kraft đều tăng lên mức kỷ lục sau tin tức nói trên.
"Chúng tôi tin rằng Kraft sẽ phải nâng con số đề nghị lên nếu họ muốn thay đổi kết quả", chuyên gia phân tích của RBC Capital Markets nói.
Thách thức của Unilever
Hãng hàng tiêu dùng Anh, Unilever đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm lại thời gian gần đây, cộng thêm rủi ro từ biến động tiền tệ. Cổ phiếu của hãng giảm 4,5% hôm 26/1, ngày giao dịch tồi tệ nhất trong vòng một năm sau khi công ty công bố kết quả doanh thu quý 4/2016 thấp hơn dự kiến.
Nguồn tin cho biết chính đợt giảm giá cổ phiếu này đã khuyến khích Kraft tiếp cận Unilever.
Khó khăn của Unilever xuất phát từ đà tăng trưởng chậm ở các thị trường mới nổi, vốn từng là cỗ máy kiếm tiền chính của hãng. Còn ở quê nhà, công ty cũng chịu tổn thất từ quá trình Brexit. Brexit làm tăng giá trị đồng bảng, làm tăng chi phí sản xuất hàng tiêu dùng ở Anh, gây căng thẳng giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ.
Cùng lúc đó, với Kraft, năm vừa rồi cũng không suôn sẻ khi doanh số quý bốn giảm 3,8% xuống 6,86 tỷ USD.