|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ứng xử với nợ thuế ảo

14:40 | 03/12/2017
Chia sẻ
Áp lực nợ thuế đang đè nặng cơ quan thuế và hải quan, khi nợ thuế không chỉ được đại biểu Quốc hội chất vấn, phân tích, mổ xẻ, quy trách nhiệm trên nghị trường, mà còn là vấn đề khiến nhiều cục thuế, chi cục thuế và nhân viên thuế vụ đau đầu.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến đầu tháng 9/2017, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đã lên trên 74.120 tỷ đồng, tương đương 8% tổng số thu nội địa. Trong số tiền nợ thuế, có khoảng 28.000 tỷ đồng tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi (nợ ảo) do người nợ thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự...

Có nhiều nguyên nhân khiến nợ thuế gia tăng. Đó là số doanh nghiệp tự giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh có xu hướng gia tăng. Đó là đối tác trong và ngoài nước phá sản không thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, giá trị công trình thi công… Đó còn do việc không xóa được nợ thuế không thể thu hồi đã khiến số tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp tăng theo ngày (với mức tăng khoảng 0,03%/ngày).

ung xu voi no thue ao

Như vậy, mỗi năm, riêng số tiền nợ thuế ảo đã “đẻ” thêm 2.400 tỷ đồng tiền nợ thuế ảo nữa.

Trong hoạt động ngân hàng không thể không có nợ xấu; trong thu ngân sách nhà nước không thể không có nợ thuế với nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng nêu trên. Nếu như ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang có điều kiện đẩy nhanh việc giải quyết nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, thì với ngành thuế, cơ chế xử lý nợ xấu, cụ thể là xóa nợ ảo hiện hành, dường như ít phát huy hiệu quả. Chính điều này đang khiên cơ quan thuế gặp khó khăn trong kiểm soát nợ thuế.

Theo quy định hiện hành, chỉ thực hiện xóa nợ thuế cho doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản, mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ; các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế…

Quy định trên đã và đang khiến cơ quan thuế “thúc thủ” trong xử lý số nợ thuế có khả năng thu hồi và xóa nợ ảo. Bởi ngay cả biện pháp mạnh tay nhất, hữu hiệu nhất trong thu hồi nợ và là một trong 7 biện pháp phải thực hiện trước khi quyết định xóa nợ thuế (kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ) cũng không thể thực hiện được. Ngoài ra, với cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, sẽ không có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng này có còn tài sản hay không. Ngay cả việc cơ quan thuế biết chắc đối tượng nợ thuế còn tài sản cũng đành “bó tay” vì tài sản của “con nợ” còn thuộc quyền sử dụng, sở hữu của gia đình, vì vậy họ không thể thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình đối tượng nợ thuế để thu hồi nợ. Với doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, cũng không thể cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp kê biên, bán đấu giá tài sản của chủ doanh nghiệp theo Luật Quản lý thuế, vì tài sản của chủ doanh nghiệp là tài sản chung của gia đình họ.

Hệ quả là trong 10 năm qua, số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa chỉ khoảng 1.120 tỷ đồng, bằng 4% số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi. Thậm chí, cơ quan thuế còn không xóa được đồng nào số nợ thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã quá hạn trên 10 năm.

Trên thực tế, muốn ra quyết định xóa nợ thuế, cơ quan thuế phải áp dụng tất cả biện pháp cưỡng chế, trong khi biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế bằng hình thức kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ lại không thể thể thực hiện được. Trong bối cảnh trên, nhất là khi không thể xử lý được nợ ảo, cơ quan quản lý đã đề xuất kế hoạch sửa đổi Luật Quản lý thuế hiện hành trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, để hạn chế nợ thuế, cơ quan quản lý cần có thêm biện pháp mạnh cũng như giải pháp xóa nợ thuế phù hợp với thực tế. Việc này vừa giúp giảm áp lực về nợ thuế ảo, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí để quản lý những khoản nợ mà ngành thuế biết chắc là khó có khả năng thu hồi.

Hàn Tín