Tỷ lệ lấp đầy không quá 35%, KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp tiếp tục được kiến nghị chuyển thành NƠXH
Cận cảnh ký túc xá 1.500 tỷ tại Hà Nội sắp chuyển đổi thành nhà ở xã hội | |
Ế người thuê, 3 toà trong ký túc xá 1.900 tỷ chuyển sang để bán |
Tỷ lệ lấp đầy KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp chỉ 30 – 35% giai đoạn 2015 - 2016
Tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội trình bày về tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên trên địa bàn thành phố, trong đó có nói đến dự án khu ký túc xá (KTX) tập trung Pháp Vân – Tứ Hiệp.
KTX tập trung Pháp Vân – Tứ Hiệp có tổng mức đầu tư được duyệt là gần 1.493 tỷ đồng, đang được thành phố Hà Nội kiến nghị chuyển một phần sang nhà ở xã hội. (Ảnh: Reatimes) |
Dự án này có tổng mức đầu tư được duyệt là gần 1.493 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gần 1.313 tỷ đồng. Khu KTX gồm 6 khối nhà từ A1 đến A6 kèm hệ thống hạ tầng ngoài trời. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009, đến nay đã triển khai thi công được 5 hạng mục công trình, riêng nhà A4 đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án được bố trí kế hoạch vốn từ năm 2009 – 2013 với tổng kế hoạch vốn là 1.133 tỷ đồng, đã giải ngân theo từng năm và đạt 100% kế hoạch giải ngân. Để hoàn thành đưa các hạng mục công trình đã thi công xây dựng vào sử dụng (nhà A2, A3) cần 672 tỷ đồng, tuy nhiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại trả lời không có chủ trương bố trí nguồn vốn cho dự án và đề nghị UBND TP Hà Nội huy động nguồn vốn địa phương và nguồn khác để hoàn thành dự án.
Tháng 5/2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kiến nghị cho chuyển mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 (đã thi công phần thô) và nhà A4 (chưa giải phóng mặt bằng) sang nhà ở xã hội đảm bảo phù hợp với quy định. Thành phố cũng xin được chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội; đồng thời lựa chọn hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất nhà A4.
Về hiệu suất sử dụng KTX tại dự án, tính đến thời điểm hiện tại ba khối nhà A1, A5, A6 đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2015, phục vụ khoảng 5.939/10.800 chỗ ở, tương ứng khoảng 55% công suất khu nhà. Dự kiến năm 2018 sẽ lấp đầy khoảng 75% và năm 2019 sẽ lấp đầy khoảng 90% chỗ ở sinh viên tại ba khối nhà.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp (năm 2015 – 2016 chỉ lấp đầy khoảng 30 – 35%), số lượng sinh viên đến ở chưa cao. Nguyên nhân là do mạng lưới giao thông công cộng tại khu nhà chưa thực sự thuận tiện bởi tần suất 30 – 35 phút/chuyến; hạ tầng kỹ thuật – xã hội quanh khu nhà chưa phát triển đồng bộ, thiếu khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng…
Thành phố Hà Nội đề nghị cho tiếp tục thực hiện xã hội hóa đầu tư một số dịch vụ tiện ích trong nội khu nhà ở sinh viên, các thiết bị phục vụ sinh hoạt như điều hòa, máy giặt, căng tin; xây dựng sân bóng đá, phòng tập gym… Trong khi các tòa nhà đã đưa vào khai thác chưa hết công suất thì việc tiếp tục đầu tư các tòa nhà còn lại bằng ngân sách thành phố là không khả thi, thành phố đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng tiếp tục xem xét, giải quyết đề nghị của thành phố đã nêu trước đó.
Hà Nội đã và đang triển khai 10 dự án KTX với tổng vốn gần 3.200 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến hiện tại thành phố đã và đang triển khai 10 dự án xây dựng khu KTX đã được Chính phủ ghi danh mục và cho phép đầu tư (gồm hai khu KTX tập trung và 8 khu KTX trong khuôn viên các trường) với tổng vốn đầu tư được duyệt khoảng 3.158 tỷ đồng.
Về các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, hiện có 5 dự án KTX tại các trường đại học được đưa vào sử dụng từ năm 2013 – 2015, đáp ứng chỗ ở cho 6.322 học sinh, sinh viên. Đó là các KTX tại trường Đại học Thủy Lợi, Đại học Việt Hưng, Đại học Ngoại Thương, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Nông nghiệp. Cả 5 dự án KTX này đều đã bố trí hết sinh viên vào ở, đạt hiệu suất sử dụng 100%.
Trong đó riêng dự án KTX trường Đại học Sư phạm Hà Nội có tổng mức đầu tư đã được duyệt là hơn 95 tỷ đồng, vốn Trái phiếu được cấp 50 tỷ đồng, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương gần 29 tỷ đồng và vốn của nhà trường hơn 16 tỷ đồng. Theo báo cáo của trường, tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến khoảng hơn 109 tỷ đồng, phát sinh 14 tỷ đồng do bù giá công nhân và giá vật liệu. Nhà trường mới huy động được số vốn theo mức đầu tư đã duyệt là hơn 16 tỷ đồng, trong khi còn phải đầu tư ngoài dự án toàn bộ hệ thống trang bị nội thấy phòng ở sinh viên, các hạng mục phụ trợ khác khoảng 14 tỷ đồng…
Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và bổ sung nguồn vốn từ ngân sách trung ương cho dự án tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu và quyết toán công trình.
Còn dự án KTX tập trung đã hoàn thành chỉ có dự án khu KTX Mỹ Đình II, đáp ứng chỗ ở cho gần 7.400 sinh viên. Khối lượng đã hoàn thành là 865 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ trái phiếu còn thiếu hơn 64 tỷ đồng để thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành. Hiện dự án này đã bố trí cho khoảng 5.700/7.400 sinh viên vào ở, đạt hiệu suất 80%.
Đối với các dự án đang hoàn thành chưa đưa vào sử dụng, các trường có KTX đó là trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Điện lực và Học viện Hành chính Hồ Chí Minh. Trong đó, dự án KTX trường Đại học Lâm nghiệp có tổng mức đầu tư được duyệt là gần 75 tỷ đồng; KTX trường Học viện Hành chính Hồ Chí Minh là hơn 104 tỷ đồng và KTX trường Đại học Điện lực 137 tỷ đồng…
Ngân sách trung ương cần sớm bố trí gần 41 tỷ đồng cho Học viện Hành chính Hồ Chí Minh để trường hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng. Đối với ba dự án nói chung, Bộ Xây dựng cần đánh giá tình hình thực hiện các dự án bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, nếu có vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng và đề xuất biện pháp xử lý…
Dự án KTX tập trung chưa hoàn thành chính là khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp nói trên.