|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ lệ giải ngân khuyến công khu vực phía Nam chỉ đạt 18,8%

20:46 | 03/08/2017
Chia sẻ
Tiến độ thực hiện kế hoạch một số nội dung hoạt động khuyến công 6 tháng đầu năm 2017 còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, toàn vùng chỉ đạt 18,8%.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, phát triển ngày càng năng động, hoạt động khuyến công cần có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hơn, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII năm 2017, do Cục Công nghiệp địa phương phối hợp với Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, tổ chức chiều 3/8 tại Tp.Hồ Chí Minh.

ty le giai ngan khuyen cong khu vuc phia nam chi dat 188
Tỷ lệ giải ngân khuyến công khu vực phía Nam chỉ đạt 18,8%. Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo – TTXVN

Theo bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, trong thời gian qua hoạt động khuyến công ở 20 tỉnh, thành phía Nam đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, kết quả thực hiện, mức độ hoàn thành kế hoạch khuyến công được giao trong năm 2016 của các tỉnh, thành khu vực phía Nam chưa cao, toàn vùng mới đạt 93,7%.

Tiến độ thực hiện kế hoạch một số nội dung hoạt động khuyến công 6 tháng đầu năm 2017 còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, toàn vùng chỉ đạt 18,8%.

Cá biệt, có địa phương chưa tiến hành giải ngân như Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng; một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang… có tỷ lệ giải ngân rất thấp so với kế hoạch, mới chỉ đạt từ 1-6% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của một số Trung tâm khuyến công còn thiếu, đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp, năng lực còn hạn chế, nhất là các cán bộ làm công tác khuyến công ở cấp huyện, xã.

Không những vậy, việc đăng ký, triển khai thực hiện các đề án khuyến công chưa thực sự bám sát tình hình thực tế tại cơ sở, một số đề án tính khả thi chưa cao.

Do đó, đã có nhiều đề án phải điều chỉnh trong năm, thậm chí có một số đề án xin ngừng vì không triển khai được. Trước những tồn tại, thách thức của ngành khuyến công, nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu đã tập trung thảo luận những giải pháp để thúc đẩy hoạt động khuyến công thực sự có hiệu quả.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập như hiện nay, Bộ Công thương và các địa phương cần có cách nhìn mới cho hoạt động khuyến công, kể từ cơ chế chính sách cho đến việc điều hành. Ông Tuấn đề xuất hoạt động khuyến công cần có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.

Chẳng hạn, những vùng miền có thế mạnh về nông sản như Đồng bằng sông Cửu Long thì hoạt động khuyến công cần dồn sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành này để góp phần tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân.

Theo đó, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp này về nhà xưởng, kho lạnh bảo quản, hệ thống xử lý nước, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu…, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuỗi sản xuất. Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương cho rằng, hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của toàn quốc, của vùng và của từng địa phương mang tầm nhìn đến năm 2020 và xa hơn nữa. Theo bà Duyên, các địa phương trong khu vực cần xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh của từng vùng, vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của từng địa phương.

Hoạt động khuyến công phải góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thách thế mạnh về các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, về thị trường và lao động tại mỗi vùng, mỗi địa phương để phát triển công nghiệp nông thôn. Để thúc đẩy hoạt động khuyến công thực sự hoạt động có hiệu quả trong những tháng cuối năm, Cục Công nghiệp địa phương lưu ý các địa phương cần thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, các địa phương cần chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn. Việc xây dựng các chương trình, đề án khuyến công cần được tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn, quan tâm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các đề án khuyến công tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm phát triển trong ngành và hoạt động khuyến công.

Điều này sẽ vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, vừa liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng…

Hứa Chung